Dầu thực vật: Các lợi ích và giá trị dinh dưỡng đi kèm
Photo by Birmingham Museums Trust on Unsplash

Dầu thực vật: Các lợi ích và giá trị dinh dưỡng đi kèm

Có khá nhiều loại dầu thực vật khác nhau được dùng trong nấu ăn như dầu hướng dương, dầu đậu phộng, dầu ô liu… và chúng đều tốt cho sức khỏe.

Dầu thực vật được chiết xuất từ các loại hạt, trái và hoa. Bên cạnh việc tăng cường kết cấu và hương vị của thực phẩm, loại dầu này còn mang đến nhiều ưu điểm nên được sử dụng trong chế độ ăn uống hàng ngày của chúng ta.

Hãy cùng HSSK tìm hiểu về thành phần dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe của dầu thực vật qua bài viết sau bạn nhé.

Giá trị dinh dưỡng của dầu thực vật

Các loại dầu khác nhau có thành phần dinh dưỡng khác nhau. Tuy nhiên, chúng vẫn sẽ chứa các vitamin, khoáng chất phổ biến như:

  • Vitamin E (Tocopherol)
  • Axit béo omega-3 và omega-6
  • Chất béo không bão hòa đa và không bão hòa đơn
  • Chất béo bão hòa
  • 100g dầu thực vật chứa đến 884 cal

Lợi ích của dầu thực vật

Sau khi nhìn qua giá trị dinh dưỡng, hãy cùng tìm hiểu vì sao chúng ta nên nấu ăn bằng dầu thực vật:

1. Thúc đẩy tăng trưởng tế bào

Các loại dầu như nghệ tây, dầu hạt bông, hướng dương, hạnh nhân và mầm lúa mì đều giàu vitamin E cần thiết cho cơ thể nhằm bảo vệ và phát triển tế bào. Loại vitamin này mang đến rất nhiều lợi ích cho cơ thể của chúng ta, từ việc cải thiện hệ thống miễn dịch đến kích thích hệ tiêu hóa. Vitamin E từ dầu thực vật còn bảo vệ các mô cơ thể như da, mắt, vú, tinh hoàn và gan.

2. Ngăn ngừa bệnh tim mạch

Chất béo không bão hòa đa và không bão hòa đơn là những dạng chất béo thường thấy nhất trong dầu thực vật. Chất béo không bão hòa đa giúp giảm mức cholesterol xấu và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Hơn nữa, sự hiện diện của vitamin E trong các loại dầu giúp ngăn ngừa bệnh tim và loại bỏ cục máu đông – nguyên nhân gây ra bệnh tim.

3. Tăng mùi vị cho món ăn

Dầu đậu phộng (lạc), ô liu và dầu đậu nành không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn làm tăng hương vị của thực phẩm. Do đó, chúng được sử dụng rộng rãi để nấu ăn cũng như nhận được sự yêu thích của nhiều người vì mang đến mùi thơm trong lúc xào, nấu hoặc trộn salad.

4. Giảm triệu chứng mãn kinh

Trong một nghiên cứu được thực hiện về lợi ích sức khỏe của dầu cám gạo, người ta đã thấy rằng các triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa đã giảm ở hơn 90% phụ nữ sử dụng dầu cám gạo hàng ngày. Vì vậy, việc dùng các loại dầu thực vật như dầu cám gạo có thể giúp bạn giải quyết sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh.

5. Dầu thực vật giảm nứt gót chân

Không chỉ được sử dụng trong việc ăn uống mà dầu thực vật cũng còn có thể được dùng trên da và bàn chân vì tác dụng giữ ẩm. Tình trạng nứt gót chân rất phổ biến trong thời tiết hanh khô và một trong những biện pháp để cải thiện là sử dụng dầu thực vật.

Trước khi đi ngủ, hãy thoa bàn chân bằng dầu thực vật như dầu dừa và đeo thêm đôi tất mềm. Điều này sẽ giúp nuôi dưỡng gót chân nứt nẻ và làm mịn bàn chân một cách tự nhiên.

6. Hỗ trợ điều trị viêm tụy cấp

Dầu ô liu chứa hàm lượng hydroxytyrosol và axit oleic cao, có thể tác động đến sự phát triển của viêm tụy cấp. Nghiên cứu phát hiện ra rằng các thành phần được tìm thấy trong dầu ô liu nguyên chất giúp ngăn ngừa nguy cơ viêm tụy cấp.

Một số loại dầu thực vật phổ biến

1. Dầu đậu nành

Loại dầu này được chiết xuất từ hạt đậu nành và rất giàu axit béo. Hàm lượng khoáng chất cùng vitamin cao và các đặc tính chống oxy hóa giúp cho dầu đậu nành chiếm được sự yêu thích của nhiều người.

Lợi ích sức khỏe của dầu thực vật từ đậu nành bao gồm cải thiện hệ miễn dịch, chăm sóc mắt, chăm sóc da và giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề về tim.

2. Dầu mè

Dầu mè rất giàu các khoáng chất như kẽm, đồng, canxi, magiê; một loạt các chất béo không bão hòa đa và tyrosine (axit amin). Dầu sẽ hỗ trợ giảm viêm, tăng cường sức khỏe răng miệng và trao đổi chất đồng thời giảm các đốm đồi mồi.

3. Dầu dừa

Dầu dừa giúp ngăn ngừa rụng tóc, lão hóa sớm và tăng cường khả năng miễn dịch. Dầu có thể được chiết xuất từ cùi dừa. Nó được sử dụng để nấu ăn và đóng vai trò như một loại dầu nền trong massage.

Có nhiều loại dầu dừa, chẳng hạn như: nguyên chất, tinh luyện, dầu dừa phân đoạn và hữu cơ.

4. Dầu đậu phộng

Không chỉ được dùng trong chế biến món ăn vì mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, dầu đậu phộng còn được sử dụng trong việc dưỡng da vì mang đến công dụng ngăn ngừa lão hóa và dưỡng ẩm.

5. Dầu hướng dương

Lượng axit béo và vitamin E dồi dào trong dầu hướng dương làm cho dầu trở thành một lựa chọn lành mạnh cho sức khỏe người dùng. Dầu giúp tăng cường năng lượng, cải thiện sức khỏe của da và tóc, ngăn ngừa các bệnh về tim, giảm mức độ nghiêm trọng của viêm khớp và hen suyễn cũng như thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da.

6. Dầu ô liu

Sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua dầu ô liu, “ông vua” của các loại dầu thực vật. Nếu bạn không thích bổ sung omega-3 từ món cá hoặc dầu cá thì có thể cân nhắc đến việc sử dụng dầu ô liu để chế biến món ăn, trộn salad…

Bên cạnh đó, dầu còn được dùng cho nhiều mục đích khác nhau. Bạn nên chọn mua loại extra virgin olive để đem đến cho sức khỏe những điều tốt nhất.

7. Dầu cây rum

Được chiết xuất từ hạt của hoa rum, loại dầu này chứa axit béo omega-6, axit oleic và axit linoleic giúp chống béo phì, ngăn ngừa các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt, tăng cường miễn dịch và nhiều tác dụng khác nữa.

Chọn đúng loại dầu không chỉ giúp tăng cường hương vị bữa ăn của bạn mà còn có thể tạo ra sự khác biệt cho sức khỏe. Dầu thực vật hiện được xem là một nguồn dinh dưỡng có lợi cho chế độ ăn uống.

Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng nếu quá lạm dụng thì chúng vẫn sẽ gây hại đến sức khỏe của bạn và mọi thứ chỉ nên được tiêu thụ với số lượng vừa phải mà thôi.

Phương Uyên/

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.