6 lợi ích sức khỏe của đậu thận
Photo by Sten Ritterfeld on Unsplash

6 lợi ích sức khỏe của đậu thận

Đậu thận không những chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết giúp bạn duy trì sức khỏe mà còn hỗ trợ giảm cân, phòng ung thư và ngừa tiểu đường. Bạn có biết cách chế biến loại đậu này để có các món ăn lành mạnh và ngon miệng?

Đậu thận hay còn gọi là đậu tây có hai loại là đậu thận đỏ và đâu thận trắng. Bạn có thể chế biến loại đậu này thành các món ăn vừa thơm ngon lại chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe như lagu đậu thận, súp đậu thận, chè đậu thận…

Hãy cùng tìm hiểu xem các lợi ích sức khỏe của đậu thận là gì để không bỏ lỡ nguyên liệu bổ dưỡng này nhé!

1. Cung cấp chất dinh dưỡng

Đậu thận chủ yếu bao gồm carb và chất xơ nhưng cũng là một nguồn protein dồi dào. Trong 100g đậu thận luộc chứa những thành phần dinh dưỡng sau đây:

  • Calo: 127
  • Nước: 67%
  • Protein: 8,7g
  • Carb: 22,8g
  • Đường: 0,3g
  • Chất xơ: 6,4g
  • Chất béo: 0,5

Chất lượng protein trong đậu thường thấp hơn protein động vật nhưng đây cũng là một nguồn dưỡng chất thay thế hợp lý cho những ai không ăn thịt. Bên cạnh đó, lượng carb giải phóng chậm trong đậu sẽ khiến đường huyết tăng chậm hơn so với các loại tinh bột khác nên phù hợp với những người mắc bệnh tiểu đường loại 2. Hai loại chất xơ trong đậu thận là kháng tinh bột và chất xơ không hòa tan alpha-galactosides cũng rất có lợi cho sức khỏe hệ tiêu hóa.

2. Cung cấp vitamin và khoáng chất

Đậu thận cung cấp một số loại vitamin và khoáng chất rất tốt cho sức khỏe như:

• Molypden: Đây là một nguyên tố vi lượng chủ yếu được tìm thấy trong các loại hạt, ngũ cốc và các loại đậu.

• Folate: Chất này còn được gọi là axit folic hoặc vitamin B9. Đây là chất đặc biệt quan trọng với phụ nữ đang mang thai.

• Sắt: Khoáng chất thiết yếu này đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể.

• Đồng: Đây là nguyên tố vi lượng có tính chống oxy hóa xuất hiện nhiều trong nội tạng, hải sản và các loại hạt.

• Mangan: Hợp chất này có mặt trong hầu hết thực phẩm, đặc biệt là ngũ cốc nguyên cám, các loại đậu, trái cây và rau quả.

• Kali: Chất dinh dưỡng thiết yếu này có thể có lợi cho sức khỏe của tim.

• Vitamin K1: Loại vitamin này còn được gọi là phylloquinone. Đây là một vitamin rất quan trọng đối với quá trình đông máu.

3. Cung cấp các hợp chất thực vật

Đậu thận chứa nhiều hợp chất thực vật có hoạt tính sinh học như:

• Isoflavone: Đây là một nhóm chất chống oxy hóa có mặt nhiều trong đậu nành và có nhiều điểm tương đồng với estrogen.

• Anthocyanin: Chất chống oxy hóa này xuất hiện nhiều trong lớp vỏ của đậu thận.

• Phytohaemagglutinin: Đây là một loại protein độc hại có nhiều trong đậu thận còn sống. Thế nhưng, bạn có thể được loại bỏ độc tố này bằng cách nấu đậu thật chín.

• Axit phytic: Chất này có thể làm giảm sự hấp thụ các khoáng chất như sắt và kẽm. Bạn có thể làm giảm chất này bằng cách ngâm hoặc lên men đậu.

• Chất ngăn hấp thụ tinh bột: Chất này làm suy giảm hoặc trì hoãn sự hấp thụ carb qua đường tiêu hóa. Tuy nhiên, chất này có thể bị vô hiệu hóa khi bạn nấu chín đậu.

4. Đậu thận hỗ trợ giảm cân

Tình trạng tăng cân quá mức và béo phì rất nguy hiểm vì có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Tuy nhiên, bạn có thể duy trì cân nặng lành mạnh và bảo vệ sức khỏe bằng cách bổ sung đậu thận vào chế độ ăn uống mỗi ngày.

Một số nghiên cứu quan sát cho thấy việc tiêu thụ đậu thận có thể giúp giảm nguy cơ tăng cân và béo phì. Một nghiên cứu kéo dài 2 tháng ở 30 người trưởng thành mắc chứng béo phì cho thấy việc ăn các loại đậu 4 lần mỗi tuần giúp giảm cân nhiều hơn. Tác dụng này có thể nhờ đậu thận chứa một số chất hỗ trợ giảm cân như chất xơ, protein và các chất kháng dinh dưỡng.

5. Giúp kiểm soát lượng đường huyết

Lượng đường trong máu cao có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính nguy hiểm như bệnh tim. Vậy nên, bạn cần kiểm soát sự gia tăng đường huyết sau mỗi bữa ăn để duy trì sức khỏe lâu dài. Đậu thận giàu protein, chất xơ và carb giải phóng chậm nên là thực phẩm giúp bạn kiểm soát đường huyết khá tốt.

Đậu thận còn có chỉ số đường huyết ở thực phẩm (Glycemic Index – GI) thấp. Điều này có nghĩa là sau khi ăn đậu thận, chỉ số đường huyết của bạn sẽ không tăng quá cao và quá nhanh. Một số nghiên cứu quan sát chỉ ra rằng ăn đậu hoặc các loại thực phẩm có hàm lượng đường huyết thấp khác có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.

6. Phòng ung thư ruột già

Ung thư ruột già là một trong những loại ung thư phổ biến nhất trên toàn thế giới. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra việc bổ sung đậu trong chế độ ăn uống có thể giúp giảm nguy cơ ung thư ruột già. Điều này có thể do loại đậu này chứa nhiều chất dinh dưỡng và chất xơ có tác dụng chống ung thư. Nếu muốn giảm nguy cơ mắc loại ung thư nguy hiểm này, bạn có thể bổ sung đậu thận vào chế độ ăn uống của mình.

Mặc dù đậu thận có một số lợi ích sức khỏe nhưng đậu còn sống hoặc chín không kỹ có chứa một số chất độc hại. Đậu thận sống chứa một lượng lớn protein độc là phytohaemagglutinin. Ở người, chất này có thể gây ra các triệu chứng ngộ độc như tiêu chảy và nôn mửa. Các triệu chứng này đôi khi có thể nặng đến mức bạn phải nhập viện. Để ngăn ngừa nguy cơ bị ngộ độc, bạn cần ngâm đậu trong nước ít nhất 5 giờ và nấu đậu ở 100°C trong ít nhất 10 phút.

Cách nấu chín đậu cũng giúp giảm một số chất kháng dinh dưỡng (chất hạn chế cơ thể hấp thu dinh dưỡng). Những chất kháng dinh dưỡng có thể không tốt cho những ai có chế độ dinh dưỡng không đủ chất. Vì thế, bạn nên nấu chín đậu để bổ sung nhiều dinh dưỡng. Ngoài ra, chất xơ không hòa tan trong đậu thận có thể khó tiêu hóa nên những ai thường bị đầy hơi có thể sẽ cần hạn chế loại đậu này.

Đậu thận là loại hạt thơm ngon mà lại hỗ trợ bạn giảm cân cũng như bảo vệ sức khỏe khá tốt. Bạn nên lưu ý cách chế biến để tránh các tác dụng phụ và tận dụng tối đa các lợi ích của loại hạt này nhé!

Như Vũ

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.