Cây ngải cứu trị bệnh gì? 3 lưu ý quan trọng khi dùng cây ngải cứu chữa bệnh
Photo by Jochem Raat on Unsplash

Cây ngải cứu trị bệnh gì? 3 lưu ý quan trọng khi dùng cây ngải cứu chữa bệnh

Bạn có thể chế biến cây ngải cứu thành nhiều món ăn tốt cho sức khỏe. Song bạn đã biết cây ngải cứu trị bệnh gì? Cách dụng cây ngải cứu trị bệnh cần chú ý những gì để an toàn, mau khỏi bệnh?

Nhiều người sử dụng cây ngải cứu để chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Vậy tác dụng của cây ngải cứu cụ thể là gì? Mời bạn cùng tìm hiểu!

Tìm hiểu chung về cây ngải cứu

Ngải cứu còn được gọi là: thuốc cứu, ngải diệp, cây thuốc cao, thuộc họ Cúc và là một loại rau ăn được. Ngải cứu có tên tiếng Anh là Wormwood, Mugwort; tên khoa học là Artemisia vulgaris.

Đặc điểm nhận dạng của ngải cứu là thân cây có nhiều rãnh nhỏ, lá mọc so le từ thân ra chứ không có cuống, mặt trên lá màu xanh thẫm, mặt dưới trắng ngà, khi chạm vào có cảm giác ráp tay. Khi lại gần hoặc lấy tay vò nhẹ lên lá sẽ thấy lá ngải cứu tỏa ra mùi thơm hơi hắc rất đặc trưng.

Vì ngải cứu dễ sống nên có thể trồng được ở bất cứ nơi nào mà không cần chăm bón cầu kỳ. Người ta thường dùng loại cây này để làm thức ăn, nước uống hoặc làm thuốc chữa bệnh.

Thành phần dinh dưỡng trong cây ngải cứu

Theo phân tích từ các chuyên gia, trong cây ngải cứu có khoảng 0,2 – 0,34% hàm lượng tinh dầu và một số thành phần tốt cho sức khỏe như: amino acid, flavonoid, adenin, cholin.

Trong Đông y, tác dụng của cây ngải cứu là: bổ máu, điều hòa kinh nguyệt, tẩm bổ cho cơ thể, hỗ trợ điều trị bệnh xương khớp, đau đầu, chóng mặt, uể oải, trị các bệnh cảm mạo thông thường,… nên được xem như một loại “thần dược” tự nhiên rất an toàn nếu sử dụng đúng cách, đúng liều lượng.

Cây ngải cứu trị bệnh gì?

Tùy theo hình thức sử dụng mà ngải cứu mang đến những công dụng khác nhau, xem ngay 5 công dụng phổ biến của cây ngải cứu để hiểu rõ hơn về loại dược liệu tự nhiên này nhé!

1. Trị ho, cảm cúm, đau đầu

Nếu bạn đang muốn biết uống nước ngải cứu tươi có tác dụng gì thì đây chính là lời giải đáp! Vì ngải cứu vì có tính ấm nên rất thích hợp cho việc trị các bệnh cảm mạo thường gặp trong gia đình như: ho, cảm sốt, nhức đầu…

Cách dụng cây ngải cứu như sau: Lấy 100gr ngải cứu, 50gr sả, 100gr lá húng chanh (rau thơm lùn), 100gr lá tía tô nấu chung với ½ lít nước. Khi bị bệnh, bạn có thể uống hỗn hợp nước này liên tục trong 5 ngày sẽ giúp giảm ho, trị cảm, giảm hoa mắt, chóng mặt.

2. Trị rong kinh

Cây ngải cứu trị bệnh gì? Chị em phụ nữ có chu kỳ bất thường, kinh nguyệt không đều, rong kinh… hãy thử chữa bệnh bằng cách uống nước ngải cứu để điều trị.

Cách chế biến cây ngải cứu để trị rong kinh: Lấy 100g ngải cứu khô, nấu chung với 1 lít nước, khi nào thấy nước cạn xuống còn khoảng 300ml thì tắt bếp. Dùng rây hoặc khăn mỏng lọc hết cặn ra, chỉ lấy nước uống. Cố gắng uống nước khoảng 1 tuần trước kỳ kinh nguyệt sẽ giảm đau bụng, điều hòa kinh nguyệt.

Có thể bạn quan tâm: 8 cách chữa kinh nguyệt không đều tại nhà an toàn

3. Giúp máu lưu thông

Thường xuyên bị choáng váng, đau đầu, hoa mắt, buồn ngủ có thể là dấu hiệu của việc lưu thông máu kém. Bạn có thể khắc phục bằng cách bổ sung ngải cứu vào món ăn thường ngày. Bởi vì trong lá ngải cứu có hoạt chất α-thuyon làm hưng phấn thần kinh nên đồng thời cũng giúp giảm hẳn các cơn đau đầu.

Một trong những món ăn dễ thực hiện và rất thơm ngon đó là trứng chiên ngải cứu. Nếu ăn món này điều độ sẽ giúp tăng tuần hoàn máu lên não, cải thiện tình trạng đau đầu, chóng mặt, uể oải.

4. Phục hồi sức khỏe

Gà hầm ngải cứu là một món ăn rất bổ, khi cơ thể bị suy nhược, mới sinh xong hoặc mới bệnh dậy… bạn rất nên bổ sung món này vào thực đơn để cơ thể được tẩm bổ, nhanh chóng phục hồi.

5. Cây ngải cứu trị bệnh gì? Sơ cứu vết thương

Nếu bị các vết thương ngoài da, bạn hãy giã nhỏ một nắm lá ngải cứu trộn với muối và đắp lên da để cầm máu. Hợp chất có trong ngải cứu sẽ nhanh chóng làm dịu làm cơn đau, hỗ trợ vết thương nhanh lành.

3 điều cần lưu ý khi dùng cây ngải cứu chữa bệnh

Tuy cây ngải cứu có rất nhiều công dụng trong việc chữa bệnh cũng như bồi bổ sức khỏe nhưng về cơ bản nó vẫn là một vị thuốc. Vì thế bạn không nên lạm dụng hoặc tùy ý kết hợp ngải cứu với các nguyên liệu lạ, chưa được kiểm chứng. Dưới đây là 3 lưu ý trong cách dụng cây ngải cứu để bồi bổ hoặc chữa bệnh.

1. Không nên uống ngải cứu và nghệ mà không có sự chỉ định cụ thể

Trong Đông y, ngải cứu được dùng như một loại thuốc trừ hàn, làm ấm khí huyết, điều kinh, an thai. Chính vì thế, phụ nữ có bầu và sau khi sinh con dùng ngải cứu sẽ rất tốt cho cơ thể. Còn nghệ là loại thuốc hoạt huyết dùng để phá huyết tích, sinh cơ.

Hai vị thuốc này muốn phối hợp với nhau phải có chỉ định cụ thể, tuyệt đối không được tự ý phối hợp vì có thể gây ra hậu quả khôn lường. Bài thuốc uống ngải cứu và nghệ chỉ phát huy công dụng khi dùng đúng người, đúng mục đích và đúng liều lượng.

2. Những người không nên dùng ngải cứu

Tuy có tác dụng rất tốt cho cơ thể, nhưng vì dược tính quá cao nên nếu bạn thuộc 1 trong 3 đối tượng sau tuyệt đối không tự ý dùng ngải cứu tẩm bổ hoặc chữa bệnh nếu chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ:

  • Người bị viêm gan: Tinh dầu trong cây ngải cứu có tác dụng tuyệt vời trong việc chữa bệnh nhưng đồng thời cũng rất độc với người bệnh gan. Cụ thể, ngải cứu làm rối loạn chuyển hóa tế bào gan, làm gan to, nước tiểu đục, gây viêm gan cấp tính, viêm gan vàng da… Chính vì thế, nếu bị viêm gan hãy tránh xa ngải cứu.
  • Phụ nữ có thai 3 tháng đầu: Tuy có khả năng an thai nhưng để an toàn nhất cho thai nhi thì trong tam cá nguyệt thứ 1, phụ nữ mang thai nên tránh tất cả các loại dược liệu – trong đó có ngải cứu. Bên cạnh đó, trong ngải cứu còn có hợp chất Alpha-thujone có thể khiến phụ nữ mang thai bị suy thận, sảy thai hoặc sinh non. Từ tháng thứ 4 trở đi, khi thai nhi đã ổn định mẹ bầu mới có thể bắt đầu tẩm bổ bằng ngải cứu theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Người rối loạn đường ruột cấp tính: Bởi vì ngải cứu có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, nên nếu bị rối loạn đường ruột cấp tính tuyệt đối không sử dụng ngải cứu vì sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn.

3. Ngải cứu không phải là thực phẩm có thể dùng hằng ngày

Vì ngải cứu là thuốc, có dược tính cao nên cũng kèm theo nhiều tác dụng phụ. Bên cạnh đó, lạm dụng ngải cứu rất dễ bị ngộ độc chất thujone. Có thể bạn chưa biết nhưng hợp chất này sẽ kích thích não bộ thông quá ức chế chất dẫn truyền thần kinh, gây ảo giác, tổn thương tế bào não nếu sử dụng quá mức. Cộng đồng liên minh Châu Âu (EU) đã có giới hạn cho các chế phẩm từ cây ngải cứu, cụ thể với thực phẩm là 0,5 mg thujone/kg, rượu ngải cứu là 35mg thujone/kg.

Ở phương Tây, ứng dụng ban đầu của ngải cứu là để làm rượu Absinthe hay còn được gọi là rượu ngải cứu. Đây là một loại rượu rất phổ biến vào thế kỉ thứ 19, có khả năng gây ảo giác đối với người sử dụng. Tuy nhiên sau này người ta đã phát hiện uống rượu ngải cứu quá liều gây ra hiện tượng co giật, thậm chí tử vong. Vì vậy, ngải cứu đã bị cấm trong một thời gian dài tại Hoa kỳ.

Ở phương Đông, ngải cứu luôn được biết đến như một loại “thần dược” tự nhiên, được tin dùng rộng rãi từ xưa đến nay. Tuy nhiên, các chuyên gia đều khuyên không nên lạm dụng vị thuốc này. Nếu không có bệnh không nên dùng ngải cứu như một món ăn thường ngày, không uống trà ngải cứu thay cho nước trà hoặc nước uống thông thường. Nếu tẩm bổ bằng ngải cứu cũng chỉ nên ăn 1 – 2 lần trong tuần, không ăn liên tục trong thời gian dài để tránh tích tụ các chất có hại cho cơ thể.

Thông qua bài viết này, hy vọng đã giúp bạn biết cây ngải cứu trị bệnh gì, có cái nhìn thật sự khách quan về tác dụng của cây ngải cứu, cách dùng hiệu quả trong cuộc sống hằng ngày để chữa bệnh, bồi bổ cơ thể.

Vì ngải cứu là một vị thuốc nên bạn cần cân nhắc thật kỹ về lợi ích cũng như các nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng để không vô tình làm tổn hại sức khỏe của mình và người thân. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định sử dụng ngải cứu để chữa bệnh, tẩm bổ bạn nhé. Chúc bạn và gia đình có thật nhiều sức khỏe!

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2024 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.