Các tác dụng của cùi dừa bạn không thể bỏ qua
Photo by Tim Mossholder on Unsplash

Các tác dụng của cùi dừa bạn không thể bỏ qua

Cùi dừa tưởng chừng như chỉ là món ăn vặt khi buồn miệng mà còn mang đến nhiều lợi ích sức khỏe bất ngờ. Vậy bạn đã biết tác dụng của cùi dừa là gì và các cách chế biến cùi dừa sao cho ngon?

Cùi dừa hay còn gọi là cơm dừa là lớp thịt dừa màu trắng bên trong trái dừa, tiếp xúc trực tiếp với phần nước dừa tươi. Phần cùi dừa giòn giòn và béo béo này có rất nhiều lợi ích sức khỏe bạn có thể tận dụng. Bạn hãy cùng tìm hiểu những tác dụng của cùi dừa và cách chế biến cùi dừa thành món ăn mỗi ngày cho cả nhà nhé.

Tác dụng của cùi dừa tốt cho sức khỏe

Cùi dừa không chỉ ngon miệng mà còn mang đến nhiều lợi ích sức khỏe cho tim mạch, não bộ, hệ tiêu hóa hay hệ miễn dịch.

1. Cùi dừa cung cấp dinh dưỡng

Cùi dừa có nhiều chất béo và calo mà lại chứa một lượng carb và protein vừa phải. Thành phần dinh dưỡng trong 80g cùi dừa tươi là:

  • Calo: 283
  • Protein: 3g
  • Carb: 10g
  • Chất béo: 27g
  • Đường: 5g
  • Chất xơ: 7g
  • Mangan: 60% DV
  • Selen: 15% DV
  • Đồng: 44% DV
  • Photpho: 13% DV
  • Kali: 6% DV
  • Sắt: 11% DV
  • Kẽm: 10% DV

DV (Daily Value): Lượng dinh dưỡng khuyến nghị hằng ngày

Cùi dừa chứa nhiều khoáng chất quan trọng, đặc biệt là mangan và đồng. Mangan hỗ trợ hoạt động của enzyme cũng như thúc đẩy quá trình chuyển hóa chất béo còn đồng thì hỗ trợ hình thành xương và bảo vệ sức khỏe của tim.

Dừa cũng có hàm lượng chất béo cao và có tới 89% chất béo trong cùi dừa là chất béo bão hòa. Hầu hết các chất béo này là triglyceride chuỗi trung bình, một loại chất béo được ruột non hấp thu trọn vẹn và được cơ thể sử dụng để sản xuất năng lượng.

Trong 80g cùi dừa có tới 7g chất xơ, nhiều hơn 20% so với lượng dinh dưỡng khuyến nghị hằng ngày. Hầu hết lượng chất xơ này là chất xơ không hòa tan nên không bị tiêu hóa. Tuy nhiên, lượng chất xơ này giúp thức ăn đi qua hệ tiêu hóa dễ dàng hơn cũng như hỗ trợ sức khỏe ruột.

2. Cùi dừa bảo vệ tim mạch

Cùi dừa có chứa dầu dừa có khả năng làm tăng cholesterol có lợi HDL và giảm cholesterol có hại LDL. Điều này có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Trong một nghiên cứu kéo dài 4 tuần, các nhà khoa học đã cho 91 người dùng hoặc 50ml dầu dừa nguyên chất, hoặc dầu ô liu nguyên chất hoặc bơ nhạt hàng ngày. Những người trong nhóm dùng dầu dừa đã tăng đáng kể lượng cholesterol tốt HDL so với những người dùng bơ hoặc dầu ô liu.

Một nghiên cứu kéo dài 8 tuần ở 35 người trưởng thành khỏe mạnh cho thấy kết quả tương tự. Nghiên cứu này chỉ ra việc dùng 15ml dầu dừa hai lần mỗi ngày giúp tăng đáng kể lượng cholesterol tốt HDL so với nhóm đối chứng.

3. Cùi dừa hỗ trợ giảm cân

Các nghiên cứu cho thấy chất béo triglyceride chuỗi trung bình trong cùi dừa có thể giúp bạn thấy no hơn và từ đó tránh được tình trạng ăn quá nhiều. Hơn nữa, loại chất béo này còn giúp đốt cháy calo và chất béo, từ đó hỗ trợ bạn giảm cân.

Một nghiên cứu kéo dài 90 ngày trên 8 người trưởng thành cho thấy việc bổ sung 100g cùi dừa tươi hàng ngày giúp giảm cân nhiều hơn so với cùng một lượng đậu phộng hoặc dầu đậu phộng.

4. Cùi dừa cải thiện hệ tiêu hóa

Cùi dừa có nhiều chất xơ nên có thể giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn. Loại thực phẩm này cũng chứa nhiều chất béo nên có thể giúp cơ thể bạn hấp thụ các chất dinh dưỡng hòa tan trong chất béo như vitamin A, D, E và K tốt hơn.

Ngoài ra, chất béo triglyceride chuỗi trung bình trong cùi dừa có thể giúp tăng cường vi khuẩn đường ruột. Điều này có thể giúp bạn phòng chống viêm nhiễm và hội chứng chuyển hóa.

5. Cùi dừa giúp ổn định đường huyết

Cùi dừa có thể giúp giảm lượng đường trong máu lúc đói và thay đổi các vi khuẩn đường ruột để hỗ trợ kiểm soát lượng đường huyết tốt hơn. Điều này sẽ giúp lượng đường huyết ổn định và bạn có thể phòng ngừa nhiều bệnh nguy hiểm.

6. Cùi dừa cải thiện khả năng miễn dịch

Mangan và các chất chống oxy hóa trong cùi dừa có thể giúp bạn tăng cường hệ thống miễn dịch và giảm viêm nhiễm. Bên cạnh đó, các chất béo triglyceride chuỗi trung bình cũng có các đặc tính chống virus, kháng nấm và ức chế khối u. Những đặc tính này có thể giúp bạn ngăn ngừa bệnh và bảo vệ sức khỏe tốt hơn.

7. Cùi dừa bảo vệ não bộ

Các chất béo triglyceride chuỗi trung bình trong dầu dừa có thể hỗ trợ những người bị suy giảm trí nhớ hoặc giảm chức năng não. Đây là những tác dụng rất tốt cho người bệnh Alzheimer.

Cách chế biến cùi dừa thành món ngon

Cùi dừa không chỉ là món ăn vặt mà còn là nguyên liệu có thể được kết hợp với thịt ba rọi hay tôm để tạo nên các món ăn ngon để thay đổi khẩu vị hằng ngày. Bạn hãy tìm hiểu những công thức nấu ăn ngon để tận dụng các tác dụng sức khỏe của cùi dừa nhé.

Cách làm thịt kho cùi dừa

Thịt ba rọi kho mặn kết hợp với vị ngọt béo của dừa sẽ rất hợp với cơm trắng đấy.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • 500g thịt ba rọi
  • 1 trái dừa (Bạn hãy chọn trái dừa có cùi già thì món ăn sẽ ngon hơn)
  • Các loại gia vị cần thiết như mắm, đường, hành, tương ớt, nước màu…

Các bước thực hiện

– Làm sạch thịt ba rọi rồi cắt miếng vừa ăn.

– Lấy cùi dừa khi khỏi trái dừa. Bạn có thể chỉ dùng nửa số cùi dừa nạo ra là đủ để kho với 500g thịt.

– Cắt cùi dừa thành các miếng vừa ăn.

– Ướp thịt ba rọi với một muỗng đường trong khoảng 15 – 30 phút để thịt giòn hơn.

– Bỏ thịt vào nồi rồi nêm thêm nước mắm, tương ớt, nước màu rồi bắc lên bếp nấu.

– Bạn kho thịt với lửa nhỏ cho đến khi thịt chín vàng thì cho cùi dừa vào đảo đều.

– Nếu nồi thịt hơi cạn, bạn đổ thêm ít nước sôi rồi lại tiếp tục đun lửa nhỏ trong khoảng 30 phút là được.

– Trình bày ra đĩa rồi rắc thêm ít tiêu và thưởng thức.

Cách làm tôm rang cùi dừa

Tôm rang cùi dừa là món nhanh gọn có hương vị thơm ngon và đầy đủ dinh dưỡng. Bạn có thể tham khảo công thức nấu cho hai người ăn như sau.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • 300g tôm tươi
  • 150g cùi dừa
  • 100g hành lá
  • 1 củ hành tím
  • Dầu ăn
  • 5g dầu gấc
  • Các gia vị cần thiết như hạt nêm, nước mắm, đường vàng…

Các bước thực hiện

– Làm sạch tôm tươi và cắt bỏ râu để dễ ăn hơn.

– Ướp tôm với 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng canh đường vàng và dầu gấc.

– Làm sạch cùi dừa rồi cắt thành từng thanh dài.

– Ướp cùi dừa với với 1 muỗng cà phê hạt nêm.

– Làm sạch, bóc vỏ rồi cắt mỏng hành tím.

– Bắc chảo dầu lên bếp để phi thơm hành tím rồi cho cho tôm tươi vào đảo đều.

– Khi tôm chuyển màu đỏ và săn lại thì cho thêm cùi dừa và một muỗng canh nước mắm vào đảo đều. Bạn có thể thêm ít nước lọc hoặc nước dừa vào rang chung để tôm chín kỹ hơn.

– Tắt bếp và trình bày món ăn ra đĩa với ít hành lá cắt nhỏ. Bạn hãy chuẩn bị thêm cơm trắng để ăn cùng món tôm rang cùi dừa này.

Cùi dừa chứa nhiều calo nên việc ăn quá nhiều loại thực phẩm này mà không cắt giảm các món khác có thể khiến bạn tăng cân bất ngờ. Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra xem mình có bị dị ứng với dừa không trước khi bổ sung loại thực phẩm này.

Cùi dừa mang đến nhiều lợi ích ích cho sức khỏe như cung cấp dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe tim mạch, ổn định đường huyết, cải thiện hệ miễn dịch, hỗ trợ giảm cân… Để có được các tác dụng của cùi dừa, bạn có thể kết hợp nguyên liệu này vào một số món ăn quen thuộc như thịt kho hay tôm rang. Các cách chế biến cùi dừa này vừa mới lạ vừa thơm ngon nên có thể sẽ là món ăn yêu thích của cả nhà đấy.

Như Vũ

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2024 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.