Thiếu vitamin K gây bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Photo by Michael Martinelli on Unsplash

Thiếu vitamin K gây bệnh gì? Có nguy hiểm không?

Vitamin K đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể. Mặc dù đường ruột có thể tự tạo ra loại vitamin này, nhưng tình trạng thiếu hụt vitamin K vẫn có thể xảy ra, nhất là ở trẻ sơ sinh. Vậy thiếu vitamin K gây bệnh gì? Làm sao để bổ sung hợp lý?

Mời bạn cùng HSSK tìm hiểu thông tin trong bài viết sau.

Vitamin K là gì? Vai trò của vitamin K

Vitamin K là một loại vitamin tan trong chất béo, tồn tại dưới hai dạng là vitamin K1 (hay phylloquinone) và vitamin K2 (hoặc menaquinone):

  • Vitamin K1: Có trong các loại rau lá xanh, như cải xanh, cải xoăn và cải bó xôi
  • Vitamin K2 có trong thực phẩm có nguồn gốc động vật (bao gồm bơ và lòng đỏ trứng) và thực phẩm lên men, chẳng hạn như kefir. Đường ruột con người cũng có thể tự tạo ra vitamin K2.

Vai trò của vitamin K giúp tạo ra nhiều loại protein cần thiết cho quá trình đông máu và tạo xương. Ngoài ra, nó cũng tham gia vào nhiều hoạt động sống khác. Vitamin K được tìm thấy khắp cơ thể, gồm gan, não, tim, tuyến tụy và xương. Nó được phân hủy rất nhanh và bài tiết qua nước tiểu hoặc phân.

Có thể bạn quan tâm: Thiếu vitamin B2 gây bệnh gì?

Thiếu vitamin K gây bệnh gì?

Sự thiếu hụt vitamin K hiếm khi xảy ra ở người lớn vì nhiều loại thực phẩm tiêu thụ hàng ngày có chứa đủ lượng K1 và cơ thể cũng có thể tự tạo ra K2. Dù vậy, thiếu vitamin K vẫn có thể xảy ra khi người bệnh đang dùng một số loại thuốc ảnh hưởng đến khả năng hoạt hóa vitamin hoặc cản trở quá trình sản xuất và hấp thụ vitamin K; chế độ ăn quá nghèo nàn; đang mắc các tình trạng làm giảm khả năng hấp thu chất béo như bệnh celiac, bệnh xơ nang, rối loạn đường ruột…

Thiếu vitamin K phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân là do vitamin K không được truyền tốt từ nhau thai sang em bé, sữa mẹ không cung cấp đủ vitamin K, gan và ruột của trẻ còn non yếu nên không thể sản xuất hay sử dụng vitamin K hiệu quả.

Vậy thiếu vitamin K gây bệnh gì? Thiếu vitamin K có thể góp phần gây chảy máu, kém phát triển xương, loãng xương và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Thiếu vitamin K gây chảy máu

Vai trò chính của vitamin K là giúp đông máu. Do đó, khi vitamin K bị thiếu hụt, bạn sẽ đối mặt với nguy cơ bị chảy máu nhiều sau chấn thương. Phụ nữ thiếu vitamin K có thể bị chảy máu kinh nguyệt nhiều. Thậm chí, những vấn đề có vẻ không nghiêm trọng như chảy máu nướu hoặc chảy máu cam cũng có thể dẫn đến biến chứng.

Chảy máu do thiếu vitamin K (VKDB) ở trẻ sơ sinh

Thiếu vitamin K gây bệnh gì? Chảy máu do thiếu vitamin K ở trẻ sơ sinh xảy ra khi cơ thể trẻ không thể cầm máu vì không có đủ Vitamin K để hình thành cục máu đông. Chảy máu có thể xảy ra ở bên trong hoặc bên ngoài cơ thể. Khi trẻ mắc VKDB, máu có thể chảy vào ruột hoặc vào não, dẫn đến tổn thương não và thậm chí tử vong.

Thiếu vitamin K gây bệnh gì? Loãng xương

Vitamin K tham gia vào quá trình sản xuất protein trong xương, bao gồm cả osteocalcin, cần thiết để ngăn ngừa sự suy yếu của xương. Thiếu vitamin K có thể làm giảm mật độ xương và tăng nguy cơ loãng xương.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc hấp thụ lượng vitamin K cao hơn có liên quan đến tỷ lệ gãy xương hông và mật độ xương thấp hơn. Ngoài ra, lượng vitamin K trong máu thấp có liên quan đến mật độ xương thấp. Một báo cáo từ Nurses’ Health Study cho thấy rằng những phụ nữ nhận được ít nhất 110 mcg vitamin K mỗi ngày có nguy cơ gãy xương hông thấp hơn 30% so với những phụ nữ nhận được ít hơn mức này.

Dữ liệu từ Nghiên cứu Tim mạch Framingham cũng cho thấy mối liên quan giữa việc hấp thụ nhiều vitamin K với việc giảm nguy cơ gãy xương hông ở nam giới và phụ nữ và tăng mật độ khoáng xương ở phụ nữ.

Các bệnh tim mạch

Thiếu vitamin K gây bệnh gì? Mặc dù các nghiên cứu về mối liên hệ giữa sự thiếu hụt vitamin K và bệnh tim vẫn còn hạn chế, nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có mức độ vitamin K thấp hơn có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn.

Thiếu vitamin K nên ăn gì?

Theo Chế độ ăn uống tham khảo (DRIs) được phát triển bởi Ban Thực phẩm và Dinh dưỡng tại Viện Y học của Học viện Quốc Gia Hoa Kỳ, lượng vitamin K tham khảo trong chế độ ăn uống thay đổi theo độ tuổi và giới tính, cụ thể:

  • Trẻ sơ sinh:
    • 0 đến 6 tháng: 2,0 mcg / ngày)
    • 7 đến 12 tháng: 2,5 mcg / ngày
  • Trẻ em
    • 1 đến 3 tuổi: 30 mcg / ngày
    • 4 đến 8 tuổi: 55 mcg / ngày
    • 9 đến 13 tuổi: 60 mcg / ngày
  • Thanh thiếu niên và người lớn
    • Nam và nữ từ 14 đến 18 tuổi: 75 mcg / ngày
    • Nam từ 19 tuổi trở lên: 120 mcg / ngày đối với nam
    • Nữ từ 19 tuổi trở lên: 90 mcg / ngày (kể cả phụ nữ có thai và cho con bú)

Nguồn vitamin K bổ sung chủ yếu đến từ chế độ ăn hàng ngày. Các thực phẩm giàu vitamin K bao gồm:

  • Rau lá xanh, như cải bó xôi, cải xoăn, rau diếp và bông cải xanh
  • Dầu thực vật
  • Một số loại trái cây, chẳng hạn như quả việt quất và quả vả tây
  • Thịt
  • Phô mai
  • Trứng
  • Đậu gà
  • Đậu nành
  • Trà xanh

Có thể bạn quan tâm: 26 thực phẩm giàu vitamin K và cách bổ sung đúng cách

Bạn cũng có thể bổ sung vitamin K từ chất bổ sung. Tốt nhất là nên nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng vì chúng có thể ảnh hưởng đến các loại thuốc hiện có.

Như vậy, bạn đã biết vitamin K có vai trò gì với cơ thể, thiếu vitamin K gây bệnh gì và làm cách nào để bổ sung. Mặc dù tình trạng thiếu hụt loại vitamin này không quá phổ biến, nhưng nó có thể gây ra những hậu quả nặng nề và lâu dài với sức khỏe. Vì vậy, hãy luôn quan tâm đến chế độ ăn để tránh tình trạng thiếu hụt vitamin bạn nhé.

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.