Sữa nghệ là một thức uống có nguồn gốc từ Ấn Độ được chế biến từ sữa nấu với các nguyên liệu khác như nghệ, quế, gừng hay tiêu. Bạn hãy cùng HSSK tìm hiểu tác dụng và cách làm sữa nghệ tại nhà nhé.
Sữa nghệ có tác dụng gì?
Việc uống sữa nghệ mang lại cho bạn một số tác dụng cho sức khỏe như sau:
1. Sữa nghệ cung cấp chất chống oxy hóa
Thành phần chính của sữa nghệ là nghệ, một loại gia vị khá phổ biến có mặt trong món cà ri. Nghệ chứa hoạt chất curcumin đã được sử dụng trong y học Ayurveda, nền y học của Ấn Độ trong nhiều thế kỷ nhờ đặc tính chống oxy hóa rất tốt.
Chất chống oxy hóa là các hợp chất giúp bạn ngừa tổn thương tế bào và bảo vệ cơ thể khỏi stress oxy hóa nên rất cần thiết cho hoạt động của các tế bào. Các nghiên cứu cũng thường xuyên cho thấy chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng và bệnh tật.
Ngoài nghệ, những công thức chỉ cách pha sữa nghệ cũng thường chứa quế và gừng. Hai nguyên liệu này có đặc tính chống oxy hóa cao nên uống sữa nghệ là cách giúp bạn bổ sung chất này thích hợp.
2. Sữa nghệ giúp giảm viêm và đau khớp
Viêm mãn tính thường có thể dẫn tới các bệnh mãn tính như ung thư, hội chứng chuyển hóa, Alzheimer hay bệnh tim. Vậy nên, chế độ ăn uống giàu hợp chất chống viêm có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính trên.
Các thành phần trong sữa nghệ có đặc tính chống viêm mạnh mẽ. Nghiên cứu cho thấy gừng, quế và hoạt chất curcumin trong nghệ có đặc tính chống viêm mạnh. Những tác dụng chống viêm này có thể giúp giảm đau khớp do viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp.
Các nghiên cứu thậm chí còn cho rằng tác dụng chống viêm của curcumin tương đương với tác dụng của một số loại dược phẩm. Thậm chí, việc uống sữa nghệ để bổ sung curcumin còn có thể an toàn hơn uống thuốc vì nghệ không có tác dụng phụ như thuốc.
Một nghiên cứu ở 45 người bị viêm khớp dạng thấp cho thấy người bệnh dùng 500mg curcumin mỗi ngày giảm đau khớp tốt hơn khi uống 50g thuốc viêm khớp hoặc kết hợp curcumin và thuốc.
Tương tự, một nghiên cứu kéo dài 6 tuần ở 247 người bị viêm xương khớp cho thấy những người được dùng chiết xuất từ gừng ít đau hơn và ít cần dùng thuốc giảm đau hơn so với những người dùng giả dược.
3. Sữa nghệ cải thiện trí nhớ và chức năng não
Sữa nghệ cũng rất tốt cho sức khỏe não bộ. Các nghiên cứu cho thấy chất curcumin có thể làm tăng BDNF, một hợp chất giúp não hình thành các liên kết mới và thúc đẩy sự phát triển của các tế bào não. Nồng độ BDNF thấp có thể dẫn đến các rối loạn não, bao gồm cả bệnh Alzheimer.
Những thành phần khác trong sữa nghệ cũng có thể mang lại lợi ích. Các nghiên cứu trong ống nghiệm và trên động vật cho thấy các hợp chất trong quế có thể giúp giảm sự tích tụ protein tau trong não, một nguyên nhân gây Alzheimer. Hơn nữa, quế cũng có thể giảm các triệu chứng của bệnh Parkinson và cải thiện chức năng não trong các nghiên cứu trên động vật.
Gừng trong sữa nghệ cũng có thể giúp tăng cường chức năng não bằng cách cải thiện phản xạ và trí nhớ. Hơn nữa, các nghiên cứu trên động vật cho thấy gừng có thể chống lại sự mất chức năng não liên quan đến tuổi tác.
4. Sữa nghệ có thể cải thiện tâm trạng
Nghệ và cụ thể hơn là hoạt chất curcumin trong nghệ có thể cải thiện tâm trạng và giảm các triệu chứng trầm cảm.
Một nghiên cứu trong 6 tuần đã cho 60 người bị rối loạn trầm cảm sử dụng curcumin, thuốc chống trầm cảm hoặc kết hợp cả hai. Kết quả chỉ ra rằng những người chỉ dùng curcumin có những cải thiện tương tự như những người dùng thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, nhóm kết hợp cả hai có nhiều cải thiện nhất.
Bạn cũng có thể bị trầm cảm nếu lượng BDNF trong cơ thể thấp. Khi bạn bổ sung curcumin, chất này sẽ làm tăng mức BDNF và từ đó giảm các triệu chứng trầm cảm.
5. Sữa nghệ giúp ngừa bệnh tim mạch
Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, nhưng bạn có thể ngừa bệnh này bằng cách uống sữa nghệ. Những thành phần trong sữa nghệ như quế, gừng và nghệ đều có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Curcumin trong nghệ có thể giúp cải thiện chức năng nội mô để bạn có một trái tim khỏe mạnh. Ngoài ra, những đặc tính chống viêm và chống oxy hóa của sữa nghệ cũng có thể bảo vệ bạn khỏi các bệnh về tim.
Kết quả của 10 nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ 120mg quế mỗi ngày có thể làm giảm tổng lượng cholesterol và chất béo trung tính. Trong một nghiên cứu khác, 41 người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 đã được cung cấp 2g bột gừng mỗi ngày. Vào cuối cuộc nghiên cứu kéo dài 12 tuần này, những người tham gia đã giảm nguy cơ mắc bệnh tim xuống 23 – 28%.
Trong một nghiên cứu, những người trải qua phẫu thuật tim được cung cấp 4g curcumin hoặc giả dược một vài ngày trước và sau khi phẫu thuật. Những người dùng curcumin bị đau tim ít hơn 65% trong thời gian nằm viện so với những người trong nhóm dùng giả dược.
6. Sữa nghệ giúp giảm đường huyết
Các thành phần trong sữa nghệ, đặc biệt là gừng và quế, có thể giúp bạn giảm lượng đường trong máu. Bạn chỉ cần dùng 1 – 6g quế mỗi ngày là có thể làm giảm mức đường huyết lúc đói lên tới 29%. Hơn nữa, quế có thể làm giảm tình trạng kháng insulin, từ đó giúp giảm lượng đường trong máu. Quế cũng có thể giảm lượng glucose ruột hấp thụ sau bữa ăn, giúp bạn cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu.
Hơn nữa, bạn có thể giảm mức đường huyết lúc đói tới 12% nếu thường xuyên bổ sung một ít gừng trong chế độ ăn. Một lượng nhỏ gừng hàng ngày cũng có thể giảm chỉ số HbA1c tới 10%, giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu dài hạn.
Một số cách làm sữa nghệ có chứa các chất làm ngọt như mật ong hoặc si rô cây thích. Bạn hãy bỏ những chất tạo ngọt này nếu muốn dùng sữa nghệ để kiểm soát đường huyết.
7. Sữa nghệ giúp giảm nguy cơ ung thư
Ung thư xuất hiện do tế bào tăng trưởng bất thường và là một bệnh khó chữa. Ngoài các phương pháp điều trị thông thường, việc tìm các biện pháp phòng chống ung thư cũng rất quan trọng. Một vài nghiên cứu cho thấy một số nguyên liệu trong sữa nghệ có thể mang lại lợi ích trong vấn đề này.
Một số nghiên cứu ống nghiệm phát hiện ra rằng 6-gingerol, một chất xuất hiện rất nhiều trong gừng sống, có khả năng chống ung thư. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên động vật cũng chỉ ra các hợp chất trong quế có thể giúp làm giảm sự phát triển của các tế bào ung thư. Ngoài ra, curcumin trong nghệ cũng có thể tiêu diệt các tế bào ung thư trong ống nghiệm và hạn chế khả năng di cư của các khối u.
8. Sữa nghệ giúp tăng cường hệ miễn dịch
Ở Ấn Độ, sữa nghệ là một phương thuốc chữa cảm lạnh tại nhà nhờ khả năng tăng cường miễn dịch của loại sữa này. Các nghiên cứu ống nghiệm cũng cho thấy curcumin có đặc tính kháng khuẩn, kháng virus và kháng nấm nên có thể giúp bạn ngăn ngừa và chống nhiễm trùng.
Hơn nữa, các hợp chất trong gừng tươi có thể ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn. Chiết xuất gừng có khả năng kháng virus hợp bào hô hấp (RSV) gây nhiễm trùng đường hô hấp. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chỉ ra rằng hợp chất cinnamaldehyd trong quế có thể ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.
Ngoài ra, chất này còn có thể giúp bạn điều trị nhiễm trùng đường hô hấp do nấm. Các thành phần trong sữa nghệ cũng có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm mạnh mẽ nên có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.
9. Sữa nghệ cải thiện tiêu hóa
Chứng khó tiêu thường do hệ tiêu hóa làm việc chậm, khiến bạn bị đau và khó chịu ở phần trên của dạ dày. Gừng trong sữa nghệ có thể giúp làm giảm tình trạng này bằng cách tăng tốc độ tiêu hóa trong dạ dày ở những người mắc chứng khó tiêu.
Nghiên cứu cho thấy rằng nghệ có thể giúp giảm các triệu chứng khó tiêu. Ngoài ra, nghệ cũng có thể cải thiện quá trình tiêu hóa chất béo bằng cách tăng sản xuất mật lên tới 62%.
Các nghiên cứu cho thấy nghệ có thể giúp duy trì sức khỏe hệ tiêu hóa và ngăn ngừa viêm loét đại tràng bùng phát.
10. Sữa nghệ giúp xương chắc khỏe hơn
Sữa nghệ có thể giúp bạn có một bộ xương khỏe. Sữa bò và sữa từ một số loại thực vật thường giàu canxi và vitamin D, hai chất dinh dưỡng cần thiết để xây dựng và duy trì xương chắc khỏe.
Nếu chế độ ăn uống quá ít canxi, cơ thể sẽ bắt đầu lấy canxi từ xương đưa vào máu để duy trì mức canxi bình thường trong máu. Theo thời gian, điều này làm cho xương yếu dần, dễ gãy và tăng nguy cơ mắc các bệnh về xương, chẳng hạn như loãng xương.
Vitamin D cũng góp phần giúp xương chắc khỏe hơn bằng cách cải thiện khả năng hấp thụ canxi từ chế độ ăn uống. Do đó, lượng vitamin D thấp có thể khiến xương yếu và dễ gãy ngay cả khi chế độ ăn uống của bạn đã giàu canxi.
Bạn hãy chọn loại sữa có đầy đủ cả canxi và vitamin D khi pha sữa nghệ để cải thiện sức khỏe xương nhé.
Cách pha sữa nghệ thơm ngon
Bạn có thể làm sữa nghệ làm tại nhà vô cùng dễ dàng. Cách pha sữa nghệ sau sẽ giúp bạn có một ly sữa thơm ngon trong thời gian rất ngắn.
Chuẩn bị nguyên liệu:
- 120ml sữa không đường theo sở thích của bạn
- Khoảng 5g bột nghệ
- 1 miếng gừng tươi nghiền nhỏ hoặc 2,5g bột gừng
- 5g bột quế
- 1 ít hạt tiêu đen xay
- 1 muỗng mật ong hoặc si rô cây thích (nếu thích)
Cách làm sữa nghệ:
– Bạn trộn tất cả các nguyên liệu trên trong nồi và đun sôi.
– Giảm nhiệt và đun nhỏ lửa trong khoảng 10 phút hoặc cho đến khi sữa đã thơm ngon vừa miệng.
– Lọc sữa nghệ qua rây.
– Trang trí một ít quế lên mặt sữa và thưởng thức.
Bạn có thể áp dụng cách pha sữa nghệ này để làm trước và trữ sữa trong tủ lạnh tối đa năm ngày. Bạn chỉ cần hâm nóng lại trước khi uống là sẽ có ly sữa thơm ngon như mới.
Khi uống sữa nghệ, bạn không chỉ cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể mà còn cải thiện sức khỏe hệ tiêu khóa, xương khớp và tim mạch. Hơn nữa, cách pha sữa nghệ lại vô cùng nhanh chóng và đơn giản nên bạn hãy áp dụng ngay nhé.
Như Vũ