Sự nguy hiểm không ngờ đến từ trà túi lọc
Photo by Dorothy Riley on Unsplash

Sự nguy hiểm không ngờ đến từ trà túi lọc

Trà là một loại thức uống đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của chúng ta. Tuy nhiên, trà túi lọc có chứa một số nguy cơ tiềm ẩn gây hại đến cơ thể của bạn, đặc biệt là túi trà và những hương vị tổng hợp trong trà. Do đó, bạn nên khôn ngoan trong việc lựa chọn trà để có được một loại thức uống vừa thơm ngon vừa bổ dưỡng.

Bạn có đang sử dụng trà túi lọc? Bạn có biết trong những túi trà mình uống thực sự có những gì không? Thoạt đầu, bạn có thể nghĩ rằng trà túi lọc rất tiện lợi và mùi vị cũng khá ổn, nhưng sự thật lại không phải như vậy. HSSK sẽ tiết lộ một số lý do tại sao bạn nên tránh xa trà túi lọc và thay vào đó là uống trà lá bình thường.

Túi trà có chứa thuốc trừ sâu, chất độc và cả dioxin

Đúng vậy, điều này nghe có vẻ điên rồ bởi bạn khó có thể tưởng tượng ra rằng có thể mình đang uống thức uống yêu thích kèm theo một ít thuốc trừ sâu! Tuy nhiên, đây là sự thật. Các túi trà bằng giấy thường chứa chất epichlorohydrin, một hợp chất được sử dụng làm thuốc trừ sâu. Epichlorohydrin sẽ phản ứng khi tiếp xúc với nước nóng. Loại thuốc trừ sâu này có thể gây vô sinh và gây hại cho hệ miễn dịch của bạn. Ngoài ra, nó cũng gây ung thư ở động vật. Vậy tại sao chúng ta vẫn uống trà được làm trong bao thuốc trừ sâu?

Có lẽ bạn nên kiểm tra túi trà của mình trước khi đặt nó vào cốc. Tốt nhất là bạn nên rửa túi trà bằng nước nóng ấm trước khi đem pha.

Túi trà nhựa có thể tiết ra chất độc

Nếu bạn nhúng túi trà bằng nhựa vào nước nóng, nó sẽ bắt đầu phân hủy và tiết chất độc vào nước trà. Mặc dù một chén trà sẽ không gây hại gì, nhưng việc uống liên tục và thường xuyên có thể gây ra vấn đề về sức khỏe. Bạn càng uống nhiều trà túi lọc có bao bằng nhựa thì càng có nhiều chất hóa học được đưa vào cơ thể, đặc biệt nếu bạn sử dụng túi trà nhiều lần.

Hóa chất trong hộp nhựa và chai có thể tiết chất độc vào thực phẩm và đồ uống. Đó là lý do tại sao trong ngành công nghiệp trẻ em, các chai sữa sử dụng chất dẻo bao gồm bisphenol-A (BPA), bisphenol-S (BPS) và phthalates đã bị cấm ở nhiều quốc gia. Việc sử dụng túi trà nhựa cũng vậy. Do đó, bạn nên xem lại loại trà mình sử dụng và suy nghĩ về các loại trà có thể thay thế.

Một số túi trà chứa chất tẩy trắng chlorine

Một số túi đựng trà được làm bằng giấy, nhưng bạn có thể không biết đó là giấy đã được tẩy trắng bằng chlorine. Vâng, trừ khi bạn mua trà từ một nhãn hiệu thân thiện với môi trường, còn nếu không, hầu hết trà bạn tiêu thụ đều được bọc trong túi đã tẩy trắng.

Bạn có muốn tiếp tục uống trà trong túi đã tẩy trắng bằng chlorine không? Uống trà chứa trong túi được tẩy trắng một hai lần sẽ không ảnh hưởng quá nhiều, nhưng nếu bạn uống hàng ngày, đó sẽ là một vấn đề rất lớn đối với sức khỏe.

Hầu hết trà không được rửa trước khi cho vào túi trà

Nhiều công ty sản xuất trà sử dụng thuốc trừ sâu trong quá trình trồng trà. Một báo cáo năm 2015 cho biết có đến 34 loại thuốc trừ sâu được tìm thấy trong trà Ấn Độ. Vì vậy, nếu trà không được rửa sạch thì toàn bộ lượng thuốc trừ sâu đó sẽ đi trực tiếp vào tách trà của bạn.

Lá trà cần phải nở ra mới có hương vị thơm ngon

Bạn biết không, khi pha trà, trà cần phải nở ra để đạt được hương vị thơm ngon. Khi pha trà lá, bạn sẽ thấy lá nở ra. Tuy nhiên, nhiều túi trà không có chỗ cho lá chè nhỏ nở. Do đó, nếu dùng túi trà, bạn thường phải ép trà để có hương vị đậm hơn. Đó là lý do tại sao túi trà không phải là lựa chọn tốt nhất để pha trà.

Mặc dù không có gì là sai khi uống một tách trà túi, nhưng bạn cũng nên nhớ rằng túi trà làm thay đổi hương vị của trà. Đó là lý do bạn nên thử trà lá để thưởng thức được hương vị thơm ngon hơn.

Bụi trà trong trà túi

Ai cũng hiểu rằng trà túi lọc vô cùng tiện lợi. Nhưng bạn đã mở một túi trà để xem bên trong của nó chưa? Nếu đã từng, chắc chắn bạn sẽ thấy rằng hầu hết túi đều chứa bụi trà và lá vỡ.

Trong quá trình sản xuất trà, những lá trà vụn này thường được đưa vào làm đầy túi trà. Những lá vụn có thể được tìm thấy ở đáy thùng trà (nơi lá chè được sấy khô). Một khi những lá chè lớn hơn đã được thu thập, các vụn trà này sẽ được gom lại và đưa vào túi trà. Các lá vụn này sẽ tiết ra tannin tan nhanh trong nước và tạo màu cho trà nhưng không có hương vị đậm đà như trà lá. Hơn nữa, chất tannin cũng sẽ gây ra vị đắng trong nước trà.

Lá trà lớn sẽ chứa nhiều tinh dầu và có thể khiến nước trà đầy đủ hương vị hơn. Do đó, có thể so sánh việc uống trà túi lọc với trà lá thông thường như việc sử dụng rượu vang chứa trong thùng giấy và một chai rượu xịn, hẳn bạn sẽ thấy sự khác biệt.

Ảnh hưởng của trà túi đến môi trường – tác nhân tiềm ẩn gây hại cho sức khỏe

Làm thế nào mà một túi trà nhỏ nhoi có thể là thảm họa môi trường tiềm ẩn? Bởi vì ngay từ đầu, sử dụng túi trà đã là một hình thức lãng phí giấy. Hầu hết túi trà không tự phân hủy được, mà các hóa chất được sử dụng trong ngành trà lại có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.

Sản xuất trà nói chung và trà túi nói riêng là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường, khiến sức khỏe của bạn ngày càng suy yếu. Vì thế, bằng cách mua trà lá, bạn không chỉ hạn chế sự lãng phí mà còn giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe của chính mình.

Hương vị nhân tạo

Đã bao giờ bạn tự hỏi làm thế nào mà những thứ bên trong túi trà lại có thể tạo nên hương vị cho thức uống yêu thích của bạn chưa? Làm thế nào để trà có vị thơm ngon?

Bạn biết không, các thành phần nhân tạo thường được sử dụng để tạo hương vị cho trà. Hương vị nhân tạo được tạo ra bằng cách thay đổi cấu trúc của một phân tử để tạo ra một phân tử khác có hương vị đậm hơn và giúp tiết kiệm chi phí sản xuất. Một ví dụ cụ thể là vanillin nhân tạo được làm từ eugenol, thành phần chính của dầu đinh hương, có thể chiết xuất được thông qua một số quy trình hóa học. Hơn nữa, hầu hết những loại trà túi bạn đang sử dụng đều chứa rất nhiều hương vị tổng hợp này.

Do đó, bạn còn ngần ngại gì mà không đổi thói quen sử dụng trà túi lọc bằng một loại trà khác, ví dụ như trà tươi – vừa thơm ngon lại vừa tốt cho sức khỏe.

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.