Đã từ lâu, người ta thường quan niệm rằng rượu và bia chỉ đem lại bệnh tật chứ không hề có bất cứ lợi ích nào cả. Nhưng gần đây, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng uống một ít rượu (hoặc bia) mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Lợi ích của việc uống bia hoặc rượu với hàm lượng ít mỗi ngày
Theo một số nghiên cứu, bia đã vượt qua rượu vang đỏ để trở thành một dạng thức uống chứa cồn có khả năng giúp chúng ta phòng chống các bệnh tim mạch. Bia có chứa hàm lượng vitamin B6 dồi dào, giúp ức chế một loại hóa chất gây bệnh tim ở người là homocysteine. Ngoài ra, chúng còn chứa nhiều chất chống oxy hóa và có tác dụng chống đông máu. Điều này rất tốt cho những người mắc bệnh tim mạch.
Nếu chúng ta uống khoảng ¾ lon bia mỗi ngày (tương đương với 40ml rượu) đồng nghĩa với lượng vitamin B6 trong huyết tương tăng thêm 30%.
Các nhà nghiên cứu ở trung tâm nghiên cứu thực phẩm và dinh dưỡng TNO đã tiến hành một khảo sát trên 11 người đàn ông khỏe mạnh ở độ tuổi từ 44 tới 59 trong khoảng thời gian hơn 12 tuần. Người ta yêu cầu ngẫu nhiên mỗi đối tượng nghiên cứu chỉ uống bia, rượu vang đỏ, rượu gin và nước vào bữa ăn tối trong vòng 3 tuần liên tục, theo trình tự ngẫu nhiên. Sau 3 tuần liên tục, hàm lượng homocysteine trong cơ thể của các đối tượng nghiên cứu uống bia không hề tăng, nhưng hàm lượng hóa chất này lại tăng đến 8% ở những người dùng rượu vang vào bữa tối. Đồng thời, khi hàm lượng homocysteine tăng thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng tăng thêm từ 10−20%.
Mặc dù hàm lượng vitamin B6 mà cơ thể hấp thụ được sau khi uống rượu vang hoặc các loại thức uống khác tăng 17% và 15% tương ứng với từng loại nhưng vẫn còn kém khi so với mức tăng 30% khi uống bia. Các chuyên gia cho rằng bia chính là loại thức uống có khả năng bảo vệ tim mạch tốt nhất không chỉ vì hàm lượng vitamin B6 dồi dào mà còn vì nó có thể giúp kiềm hãm sự tăng trưởng của hàm lượng homocysteine trong cơ thể. Bia còn chứa các thành phần khác có khả năng bảo vệ tim mạch nếu uống bia điều độ và có chừng mực.
Tuy nhiên, hàm lượng homocysteine trong cơ thể còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác trong cuộc sống như chế độ ăn kiêng và tập luyện. Những người nghiện rượu có hàm lượng homocysteine tăng cao do lượng vitamin hấp thụ vào cơ thể quá ít hoặc do việc uống rượu quá nhiều.
Một tiến sĩ ngành sinh lý dinh dưỡng, người đã tiến hành nghiên cứu này, cho rằng dù chúng ta có uống rượu hoặc các thức uống chứa cồn khác có chừng mực và điều độ thì hàm lượng homocysteine trong cơ thể vẫn sẽ tăng. Tuy nhiên, đối với bia thì không, khi ta uống bia với một lượng vừa phải thì hàm lượng homocysteine trong cơ thể sẽ không tăng thêm.
Vitamin B6 trong bia còn có khả năng ngăn ngừa việc hàm lượng homocysteine trong cơ thể tăng gây ra bởi uống quá nhiều rượu hoặc cồn. Nhìn chung, việc hấp thụ vitamin B6 từ bia, hoặc từ rượu vang đỏ (với hàm lượng ít) vẫn có tác dụng trong việc giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Lạm dụng rượu, bia có thể sẽ gây hại cho hệ tim mạch
Các nhà nghiên cứu đã thăm dò hơn 1,9 triệu người trung niên khỏe mạnh ở Anh Quốc và phát hiện rằng người uống rượu bia chừng mực có nguy cơ bị đau tim, đột tử tim, suy tim, đột quỵ và tim ngừng đập thấp hơn những người không bao giờ uống rượu bia.
Theo như các nghiên cứu, 7 lon bia hoặc khoảng 6 ly rượu vang một tuần được cho là mức “vừa phải” có thể phát huy tác dụng tốt. Nếu ta uống nhiều hơn lượng “vừa phải” đó thì nguy cơ gặp các hiện tượng tim mạch vừa kể trên tăng lên đáng kể.
Sau bài viết này, HSSK mong bạn có thể hiểu rượu, bia không phải lúc nào cũng gây hại cho cơ thể. Nếu không lạm dụng và biết dùng những loại thức uống có chứa cồn này với hàm lượng vừa phải và điều độ thì chúng còn mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể đấy.