Loại rau màu xanh sẫm này rất quen thuộc trên mâm cơm của nhiều gia đình người Việt. Không những dễ ăn, nó còn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Thêm vào đó, loại thực phẩm này còn hỗ trợ phòng ngừa nhiều loại bệnh nguy hiểm.
12 tác dụng của cải bó xôi
Công dụng của cải bó xôi có thể hỗ trợ chữa trị và phòng ngừa nhiều bệnh lý nguy hiểm, bao gồm:
1. Kiểm soát bệnh tiểu đường
Cải bó xôi chứa các chất chống oxy hóa như axit alpha-lipoic giúp giảm lượng đường trong máu, tăng tính năng nhận biết của cơ thể đối với hormone insulin và ngăn ngừa khả năng oxy hóa gây căng thẳng ở những người bị bệnh tiểu đường.
2. Cải bó xôi giúp ngăn ngừa ung thư
Cải bó xôi và các loại rau xanh khác được chứng minh là chứa nhiều chất diệp lục có tác dụng ngăn chặn các amin dị vòng được tạo ra khi nướng thực phẩm ở nhiệt độ cao. Do đó, loại thực phẩm này còn hỗ trợ trong việc ngừa ung thư.
3. Tác dụng cải bó xôi: phòng ngừa bệnh hen suyễn
Một số nghiên cứu cho thấy những người ăn nhiều thực phẩm có chứa nhiều beta-carotene như quả đào, bông cải xanh, dưa đỏ, bí đỏ, cà rốt và cải bó xôi thường có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn thấp hơn so với những người hiếm khi ăn những loại thực phẩm này.
4. Giúp điều hòa huyết áp
Những người có huyết áp cao nên thường xuyên dùng cải bó xôi. Hàm lượng kali cao trong loại thực phẩm này sẽ giúp khống chế hàm lượng natri trong máu. Cơ thể chứa quá nhiều natri sẽ có nguy cơ bị huyết áp cao tương tự như khi cơ thể bạn thiếu kali.
5. Cải bó xôi tốt cho sức khỏe xương khớp
Công dụng cải bó xôi có lợi cho xương khớp. Vitamin K trong loại rau này còn có thể giúp xương bạn trở nên chắc khỏe. Ngoài ra, chúng còn giúp hỗ trợ quá trình hình thành xương, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hấp thụ canxi của xương và giảm lượng canxi trong nước tiểu.
6. Có lợi cho hệ bài tiết
Cải bó xôi chứa hàm lượng chất xơ và nước cao, giúp ngăn ngừa táo bón và cải thiện hệ tiêu hóa.
7. Tốt cho da và tóc
Loại rau này có nhiều vitamin A cần thiết cho quá trình tiết chất nhờn dưỡng ẩm cho tóc và quá trình phát triển của các mô cơ, kể cả da và tóc. Bên cạnh đó, các loại rau có lá màu sẫm thường có chứa nhiều vitamin C – dưỡng chất thiết yếu giúp hình thành và duy trì collagen, quy định cấu trúc của da và tóc. Ngoài ra, nó cũng cung cấp một lượng sắt cần thiết cho cơ thể, giúp ngăn ngừa thiếu sắt – nguyên nhân chính gây rụng tóc.
8. Rau cải bó xôi có tác dụng gì? Tăng cường thị lực, ngăn ngừa các bệnh về mắt
Cải bó xôi là nguồn cung cấp beta carotene, lutein và xanthene, tất cả đều là chất có lợi cho thị lực. Ăn cải nấu chín sẽ bổ sung beta carotene cho mắt, giúp ngăn ngừa bệnh thiếu vitamin A, ngứa mắt, loét mắt và khô mắt. Đồng thời, nó cũng có tác dụng giúp bạn chống viêm mắt, giảm bọng mắt hoặc kích ứng mắt.
Bên cạnh đó, loại thực phẩm này cũng góp phần giúp phòng tránh các bệnh nguy hiểm hơn về mắt như thoái hóa điểm vàng, tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể.
Thoái hóa điểm vàng do tuổi tác sẽ dẫn đến mù lòa. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự thoái hóa của lutein và xanthene ở một phần trung tâm của võng mạc. Theo nghiên cứu của phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge, bạn nên ăn cải bó xôi để có thể bổ sung cho cơ thể hai sắc tố quan trọng cho mắt. Điều này giúp tăng cường khả năng chống oxy hóa, làm giảm tác hại xấu của các gốc tự do gây bệnh, phòng tránh các bệnh đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và thoái hóa điểm vàng.
10. Lợi ích cho hệ thần kinh
Bạn sẽ nạp được một số thành phần như kali, vitamin B9 và các chất chống oxy hóa khi ăn cải bó xôi thường xuyên. Theo chuyên ngành thần kinh học, cơ thể bị giảm vitamin B9 sẽ có biểu hiện triệu chứng của bệnh Alzheimer. Vì vậy, loại rau này là một thực phẩm rất tốt cho những người có nguy cơ cao bị suy nhược thần kinh hay khả năng nhận thức. Kali cũng là một phần không thể thiếu giúp não khỏe mạnh, hỗ trợ gia tăng lưu lượng máu lên não, giúp tăng nhận thức, sự tập trung và hoạt động thần kinh.
11. Cải bó xôi giúp phòng chống các bệnh tim mạch
Thành phần của rau bó xôi có chất C0-Q10 là chất chống oxy hóa có vai trò quan trọng trong việc tăng cường cơ bắp, đặc biệt là cơ tim. Theo tạp chí Cardiovascular Nursing, C0-Q10 có thể được sử dụng để phòng tránh và điều trị cho bệnh nhân bị các bệnh tim mạch như tăng lipid máu, suy tim, cao huyết áp và bệnh mạch vành.
12. Chống loét dạ dày
Rau cải chân vịt và một số loại rau khác có khả năng bảo vệ màng nhầy dạ dày, ngăn ngừa bệnh loét dạ dày. Hơn nữa, glycoglycerolipid trong loại cải này có thể tăng cường “sức mạnh” của thành tiêu hóa, ngăn ngừa bất kỳ triệu chứng viêm nào gây hại cho cơ thể.
Gợi ý cách kết hợp cải bó xôi trong bữa ăn hàng ngày
Bạn có thể ăn sống hoặc nấu chín cải bó xôi. Loại rau này cũng có nhiều hình thức bảo quản, gồm để tươi, đông lạnh hoặc đóng hộp. Dưới đây là một số mẹo để kết hợp thêm loại rau này vào chế độ ăn uống hàng ngày:
- Kết hợp cải với mì, súp và món hầm
- Cải xay nhỏ với ít dầu ô liu nguyên chất, nêm tiêu đen tươi và phô mai Parmesan tươi
- Ăn kèm với bánh sandwich hoặc bánh mì
- Ăn chung với lẩu hay xào thịt bò
- Thêm một ít rau bó xôi tươi vào trứng chiên hoặc trộn một ít với thức uống smoothie
Những lưu ý cần TRÁNH khi ăn cải bó xôi
Nếu bị mắc chứng đông máu và đang sử dụng các sản phẩm giúp làm loãng máu như Coumadin thì tốt nhất bạn nên hạn chế ăn loại rau này. Vitamin K có chứa trong loại rau này là một trong những nhân tố gây đông máu.
Ngoài ra, những người bị suy thận cũng nên tránh những thực phẩm có chứa nhiều kali. Chức năng thận suy yếu sẽ không thể đào thải lượng kali dư thừa ra khỏi máu. Điều này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Hy vọng những thông tin vừa rồi đã giúp bạn hiểu hơn về thành phần dinh dưỡng và tác dụng của cải bó xôi. Hãy sử dụng thực phẩm này thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày để có được một cuộc sống khỏe mạnh và vui vẻ, bạn nhé!