Các loại gia vị tốt cho sức khỏe
Photo by Katherine Hanlon on Unsplash

Các loại gia vị tốt cho sức khỏe

Các loại gia vị không phải chỉ để món ăn thêm thơm ngon mà cũng giúp tăng dưỡng chất cho bữa cơm gia đình. Bạn có thể thoải mái lựa chọn các loại gia vị nấu ăn đa dạng như tỏi, ớt, hương thảo, quế, bạch đậu khấu, nghệ…

Ngoài các gia vị nước quen thuộc như nước tương, nước mắm hay giấm, các loại gia vị khô cũng mang đến cho món ăn nhiều hương vị thơm ngon đặc biệt. Không những vậy, các loại gia vị nấu ăn này còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe cả nhà nữa đấy.

1. Quế

Quế là một loại gia vị phổ biến trong nhiều công thức nấu ăn và trong cả các món bánh. Loại gia vị này chứa một hợp chất có nhiều dược tính có lợi cho sức khỏe gọi là cinnamaldehyde. Bên cạnh đó, quế còn có các chất chống oxy hóa mạnh giúp bạn chống viêm cũng như giảm lượng cholesterol và triglyceride trong máu.

Một tác dụng quan trọng khác của quế là giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu. Quế có thể làm giảm đường huyết bằng cách làm chậm quá trình phân hủy carb trong đường tiêu hóa và cải thiện độ nhạy insulin của cơ thể. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng quế có thể hạ đường huyết lúc đói xuống 10 – 29% ở bệnh nhân tiểu đường. Lượng quế thích hợp để dùng là 1 – 6g mỗi ngày.

2. Xô thơm

Xô thơm từ lâu đã nổi tiếng với đặc tính chữa bệnh của mình. Thậm chí, loại gia vị này còn từng được sử dụng để ngăn ngừa bệnh dịch. Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng cây xô thơm có thể cải thiện chức năng não và trí nhớ, đặc biệt là ở những người mắc bệnh Alzheimer. Bệnh Alzheimer đi kèm với việc giảm mức độ acetylcholine, một chất truyền tin hóa học trong não. Xô thơm ức chế sự phân hủy acetylcholine, giúp bạn kiểm soát bệnh tình tốt hơn.

Trong một nghiên cứu kéo dài 4 tháng với 42 người mắc bệnh Alzheimer từ nhẹ đến trung bình, chiết xuất cây xô thơm đã được chứng minh là có thể cải thiện đáng kể chức năng não. Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng cây xô thơm có thể cải thiện khả năng ghi nhớ ở người khỏe mạnh, kể cả trẻ em và người già.

Ngoài cách dùng xô thơm để pha trà, bạn có thể dùng loại thảo mộc này để làm gia vị cho các món súp bí đỏ, thịt nướng, mì Ý, khoai lang nướng…

3. Bạc hà

Bạc hà từ lâu đã được sử dụng trong y học dân gian và trong liệu pháp mùi hương để giúp bảo vệ sức khỏe. Tương tự như nhiều loại thảo mộc khác, những hợp chất mang lại lợi ích sức khỏe của bạc hà đa số nằm ở tinh dầu của loại cây này. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tinh dầu bạc hà có thể cải thiện khả năng kiểm soát cơn đau trong hội chứng ruột kích thích hay còn gọi là IBS.

Cũng có một số nghiên cứu cho thấy việc dùng bạc hà trong liệu pháp mùi hương có thể giúp chống buồn nôn. Một nghiên cứu trên 1.100 phụ nữ đang chuyển dạ cho thấy liệu pháp mùi hương với bạc hà đã giúp giảm đáng kể tình trạng buồn nôn. Loại thảo mộc này cũng đã được chứng minh là làm giảm cảm giác buồn nôn sau phẫu thuật và sinh mổ.

Bạc hà cũng giúp thư giãn các cơ trơn trong đại tràng, từ đó giúp giảm đau khi đại tiện. Hơn nữa, loại gia vị này cũng giúp giảm tình trạng đầy hơi khó chịu. Lá bạc hà có thể là gia vị để các món đồ uống của bạn thêm đặc biệt hay đi kèm trong các món salad cũng rất ngon.

4. Củ nghệ

Củ nghệ là gia vị không thể thiếu để tạo nên màu vàng của món cà ri. Loại gia vị này chứa một số hợp chất có đặc tính dược liệu, trong đó quan trọng nhất là chất curcumin. Curcumin là một chất chống oxy hóa mạnh giúp chống lại các tác hại của quá trình oxy hóa và tăng cường các enzyme chống oxy hóa của cơ thể. Quá trình oxy hóa được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến lão hóa và nhiều chứng bệnh khác.

Curcumin cũng có khả năng chống viêm ngang với hiệu quả của một số loại thuốc chống viêm. Các nghiên cứu cho thấy rằng chất này có thể cải thiện chức năng não, chống bệnh Alzheimer, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư cũng như giảm viêm khớp. Bạn có thể nêm bột nghệ vào rất nhiều món như cá kho, gà kho, thịt kho, bún cá, canh cá…

5. Hương nhu tía

Hương nhu tía là một loại thảo mộc thiêng liêng trong văn hóa Ấn Độ. Về mặt khoa học, các nghiên cứu cho thấy hương nhu tía có thể ức chế sự phát triển của một loạt vi khuẩn, nấm men và nấm mốc có hại cho sức khỏe.

Một nghiên cứu nhỏ cũng cho thấy loại gia vị này có thể tăng cường chức năng hệ thống miễn dịch bằng cách tăng một số tế bào miễn dịch trong máu. Bên cạnh đó, hương nhu tía cũng có thể giúp giảm lượng đường huyết, trị chứng lo âu và trầm cảm do lo âu. Bạn có thể kết hợp hương nhu tía vào đồ uống hoặc một số món canh mình hay ăn.

6. Ớt cayenne

Các hoạt chất trong ớt cayenne được gọi là capsaicin, một chất đã được chứng minh là giúp giảm cảm giác thèm ăn và tăng cường đốt cháy chất béo trong nhiều nghiên cứu. Vậy nên, loại gia vị này là một thành phần phổ biến trong nhiều thực phẩm bổ sung giúp giảm cân. Một nghiên cứu cho thấy việc thêm 1g ớt vào bữa ăn sẽ giúp giảm cảm giác thèm ăn và tăng đốt cháy chất béo ở những người không thường xuyên ăn ớt. Tuy nhiên, ớt lại không có tác dụng với những người đã quen ăn cay.

Một số nghiên cứu trên động vật cũng cho thấy capsaicin có thể chống lại một số bệnh ung thư như ung thư phổi, gan và tuyến tiền liệt. Bạn có thể tìm mua bột ớt cayenne dễ dàng tại các cửa hàng trực tuyến hoặc trong một số siêu thị để nêm nếm vào các món mình nấu hằng ngày.

7. Củ gừng

Gừng là một trong các loại gia vị khô phổ biến ở nhiều gia đình và đôi khi cũng được dùng để chữa một số bệnh. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc dùng 1g gừng hoặc hơn có thể giúp điều trị chứng buồn nôn do ốm nghén, hóa trị và say xe.

Bên cạnh đó, gừng còn có đặc tính chống viêm mạnh mẽ và có thể giúp kiểm soát cơn đau. Một nghiên cứu trên các đối tượng có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cho thấy việc dùng 2g chiết xuất gừng mỗi ngày giúp giảm các dấu hiệu viêm đại tràng. Tác dụng này tương tự như khi dùng aspirin.

Hiện bạn có thể tìm mua cả gừng tươi và bột gừng để dùng khi nấu nướng. Bạn có thể dùng gừng để nêm nếm trong một số món ăn hằng ngày như gà kho, thịt kho, ốc hấp, cá hấp hay một số món canh khác.

8. Cỏ cà ri

Cỏ cà ri có vị đắng khá đặc trưng và thường được sử dụng trong nền y học Ayurveda của Ấn Độ để giúp nam giới cải thiện đời sống tình dục. Loại thảo mộc này cũng mang đến các tác dụng tích cực đối với đường huyết. Cỏ cà ri có chứa protein thực vật 4-hydroxyisoleucine có thể giúp cải thiện chức năng của hormone insulin. Nhiều nghiên cứu ở người đã chỉ ra việc dùng ít nhất 1g chiết xuất cỏ cà ri mỗi ngày có thể làm giảm lượng đường trong máu, đặc biệt là ở bệnh nhân tiểu đường.

9. Cây hương thảo

Các hoạt chất trong hương thảo được gọi là axit rosmarinic. Chất này đã được chứng minh là giúp ngăn các phản ứng dị ứng và chứng nghẹt mũi. Một nghiên cứu gồm 29 người được dùng 50 hoặc 200mg axit rosmarinic cho thấy cả hai liều dùng này đều có thể ngăn chặn các triệu chứng dị ứng. Khi người tham gia dùng cây hương thảo, chứng nghẹt mũi và số lượng tế bào miễn dịch trong nước mũi cũng giảm.

Bạn có thể dùng hương thảo để nêm nếm một số món nướng như gà nướng, thịt nướng, tôm nướng… Ngoài ra, loại gia vị này cũng thích hợp cho món bít tết hay một số món súp khác. Nếu thích mùi thơm của hương thảo, bạn còn có thể tự pha chế tinh dầu hương thảo để massage tại nhà.

10. Củ tỏi

Các lợi ích sức khỏe của tỏi là nhờ một hợp chất gọi là allicin. Đây cũng là hợp chất giúp tỏi có mùi rất đặc trưng. Tỏi được biết đến với tác dụng hỗ trợ giảm nhẹ một số bệnh như bệnh cảm lạnh. Nếu bạn thường xuyên bị cảm lạnh, việc bổ sung tỏi vào chế độ ăn uống có thể rất có ích. Ngoài ra, tỏi còn có lợi cho sức khỏe của tim. Đối với những người có cholesterol cao, việc bổ sung tỏi có thể giúp giảm lượng cholesterol toàn phần và cholesterol xấu LDL khoảng 10 – 15%.

Các nghiên cứu ở người cũng cho thấy việc bổ sung tỏi có thể giúp giảm đáng kể huyết áp ở những người bị huyết áp cao. Một nghiên cứu cho thấy hiệu quả giảm huyết áp cũng tương tự với các loại thuốc hạ huyết áp. Bạn có thể dùng tỏi trong một số món chiên xào như cá chiên hay rau xào để món ăn thơm và bổ dưỡng hơn.

11. Bạch đậu khấu

Lợi ích sức khỏe của bạch đậu khấu khá đa dạng như kháng khuẩn, giúp cải thiện hội chứng chuyển hóa, cải thiện sức khỏe răng miệng, bảo vệ gan, chống ung thư… Đây là một trong những loại gia vị khô có vị ngọt nhẹ mà lại nêm nếm được cả trong đồ uống và đồ ăn. Bạn có thể tìm mua bột bạch đậu khấu trên mạng hay các siêu thị để cho vào cà phê hay kết hợp với một số loại bánh ngọt cũng rất ngon.

12. Tiêu đen

Tiêu đen có vị cay nhẹ” width=”750″ height=”500″ />

Tiêu đen có vị cay nhẹ giúp món ăn thêm hấp dẫn và cũng có thể hỗ trợ bạn giảm cân nhờ có chứa các hợp chất thúc đẩy phân hủy các tế bào chất béo. Loại gia vị này cũng có tính kháng khuẩn nên có thể giúp cơ thể chống lại một số bệnh nhiễm trùng và vết côn trùng cắn.

Một trong những thành phần chính của tiêu đen là piperin đã được chứng minh là có thể giúp giảm nhẹ tình trạng suy giảm trí nhớ. Các nghiên cứu trước đây cho thấy tiêu đen có thể có ích cho người mắc bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ, rối loạn do lão hóa hay suy giảm nhận thức do các gốc tự do có hại.

Tiêu đen là gia vị quen thuộc và rất dễ kết hợp với các món ăn hằng ngày như thịt kho, thịt nướng, bít tết, trứng chiên, các món canh… Khi mua tiêu, bạn hãy tìm mua hạt tiêu đen rồi về xay ra thay vì mua tiêu xay sẵn để tiêu thơm hơn.

13. Đại hồi

Đại hồi hay còn gọi là hoa hồi có vị hơi cay the, có tác dụng giúp kích thích tăng cường nhu động ruột và chữa đau bụng. Loại gia vị này cũng giúp làm tăng tiết dịch đường hô hấp và được dùng làm thuốc tiêu đờm. Hoa hồi còn có thể ức chế sự phát triển trực khuẩn lao và trực khuẩn subtilis.

Bạn có thể rang đại hồi rồi bỏ vào nước dùng phở, các món tiềm, món hầm, lẩu hay cà ri để tạo vị thơm ngon. Bột hoa hồi cũng có thể giúp khử mùi tanh và tạo hương vị cho thịt cá rất tốt.

14. Kinh giới

Kinh giới hay còn gọi là kinh giới cay (oregano) không chỉ là gia vị thơm ngon cho các món Tây mà cũng có thể giúp bạn chữa trị một số bệnh như rối loạn đường hô hấp, rối loạn dạ dày – ruột (GI), co thắt tử cung, viêm khớp, rối loạn đường tiểu, nhức đầu… Tinh dầu kinh giới cũng có thể giúp chống viêm, phòng ung thư, trị cảm lạnh hay chống nấm cho các bé.

Ngoài việc thêm kinh giới vào pizza, bạn cũng có thể dùng loại gia vị này trong một số món Việt Nam như bún đậu mắm tôm, bún riêu, gỏi tôm rau muống hay nộm su hào.

15. Rau mùi

Rau mùi hay còn gọi là ngò rí không chỉ là gia vị giúp món ăn đẹp mắt và ngon miệng mà còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Các công dụng tốt cho sức khỏe của rau mùi bao gồm chống viêm khớp, giúp ngủ ngon, cải thiện hệ tiêu hóa… Hơn nữa, rau mùi còn chứa nhiều axit ascorbic (vitamin C) có tác dụng giảm lượng cholesterol xấu LDL và tăng cholesterol tốt HDL. Nhờ tác dụng này, rau mùi có thể giúp giảm tích tụ cholesterol trong động mạch và ngăn chặn các bệnh về tim mạch.

Rau mùi thích hợp với một số món nước như súp bí đỏ, cháo cá, canh bí đao, canh chua, bánh canh… Ngoài ra, bạn còn có thể dùng rau mùi để trang trí một số món chiên xào như đậu bắp xào thịt, cánh gà chiên nước mắm hay cơm chiên.

Các loại gia vị khô khá đa dạng mà lại mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe mà bạn không ngờ tới. Đây có thể là bí quyết nhỏ giúp các món ăn hằng ngày trở nên thơm ngon và bổ dưỡng hơn đấy!

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.