9 loại hoa ăn được giúp bạn nấu nhiều món ngon
Photo by Ruben Ortega on Unsplash

9 loại hoa ăn được giúp bạn nấu nhiều món ngon

Những bông hoa không chỉ mang đến vẻ đẹp lãng mạn và dịu dàng mà còn có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon nữa đấy. Bạn có thể làm mới thực đơn với những loại hoa ăn được như hoa hồng, hoa cúc, hoa thiên lý….

Một số loại hoa chứa rất nhiều dinh dưỡng và có thể giúp bạn phòng bệnh một cách tự nhiên. Bạn hãy cùng HSSK tìm hiểu về 9 loại hoa ăn được phổ biến ở Việt Nam và những món ăn tốt cho sức khỏe làm từ các loại hoa này trong bài viết dưới đây.

1. Hoa thiên lý

Những giàn hoa thiên lý trước nhà là hình ảnh quen thuộc, bạn có biết đây là một nguyên liệu nấu ăn vừa rẻ lại ngon? Hoa thiên lý đem đến vị ngọt, hương thơm nồng, đậm đà cho nhiều món ăn dân dã trong bữa cơm gia đình.

Hoa thiên lý là một thực phẩm bổ dưỡng và có công dụng chữa bệnh. Trong 100g hoa thiên lý có chứa 2,9g chất đạm, 3g chất xơ, 2,8g đường, 53mg phốt pho, 52mg canxi, 1,2 mg sắt, 1,17mg beta-caroten, kẽm và các vitamin B1, PP, C, E.

Theo Đông y, hoa thiên lý là vị thuốc an thần, giúp trị chứng mất ngủ, bồi bổ sức khỏe, chống viêm, giải nhiệt, giảm đau mình mẩy, nhức xương cốt, phòng ngừa mẩn ngứa.

Bạn có thể xào hoa thiên lý với thịt bò hoặc lòng gà. Ngoài ra, hoa thiên lý cũng hợp với các món canh giò sống, canh thịt băm và canh cua. Khi chế biến các món ăn với hoa thiên lý, bạn tránh xào nấu hoa quá chín để tránh làm giảm các dưỡng chất của hoa và làm nhừ nát cánh hoa, giảm hương vị.

2. Hoa bí ngòi

Trên giàn hoa bí thường có nhiều hoa đực và đây là một loại hoa ăn được. Những bông hoa ăn được này rất giàu vitamin A và tốt cho sức khỏe.

Hoa bí ngòi là nguyên liệu trong những món ăn đơn giản như hoa bí ngòi luộc chấm mắm tỏi, hoa bí xào thịt bò, hoa bí hấp thịt, hoa bí nhồi nấm chiên giòn hoặc hoa bí nhồi thịt đút lò.

3. Hoa chuối

Hoa chuối hay còn gọi là bắp chuối được người Việt dùng để chế biến nhiều món ăn dân dã độc đáo nhờ những dưỡng chất có trong loại hoa này.

Hoa chuối rất giàu sắt, chất xơ và các chất kháng khuẩn cũng như kháng viêm. Vậy nên, loại hoa này có nhiều lợi ích đối với sức khỏe như giúp hỗ trợ điều trị thiếu máu, điều hòa kinh nguyệt, giảm táo bón, giảm viêm, nhiễm trùng, hỗ trợ điều trị tiểu đường, cải thiện khả năng tiết sữa sau sinh.

Bạn có thể chế biến nộm hoa chuối (gỏi bắp chuối) chua, ngọt và hơi chát ăn mãi không chán. Ngoài ra, món hoa chuối nấu lươn, lá lốt cũng rất ngon miệng và bổ dưỡng.

4. Hoa điên điển

Hoa điên điển còn gọi là hoa muồng rút hay hoa điền thanh rất phổ biến ở các vùng đầm lầy, ruộng nước ở vùng miền Tây Nam bộ. Loại hoa ăn được này còn có mặt rải rác ở một số tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình…

Theo Đông y, hoa điên điển có vị đắng, ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, nhuận tràng, lợi tiểu và an thần.

Vậy nên, điên điển là món ăn rất lành tính và tốt cho sức khỏe, đặc biệt là cho những người bị táo bón, mất ngủ, chán ăn.

Bạn có thể chế biến loại hoa ăn được này thành những món được nhiều người thích như hoa điên điển xào trứng, hoa điên điển nấu canh cá rô đồng, hoa điên điển muối dưa.

5. Hoa hồng

Hoa hồng được mệnh danh là chúa tể của các loài hoa với vẻ đẹp kiêu sa, lộng lẫy, nhưng đây là một loại hoa ăn được cũng như là thành phần của nhiều bài thuốc.

Theo y học cổ truyền, hoa hồng là một dược liệu có thể giúp điều hòa kinh nguyệt, chữa bệnh viêm da, mụn nhọt, đau bụng.

Ngoài ra, hoa hồng còn giúp hỗ trợ giảm cân và có công dụng an thần, giảm căng thẳng. Cánh hoa hồng cũng có chứa nguồn vitamin C và các dưỡng chất dồi dào giúp hỗ trợ tiêu hóa, mát gan, giải độc.

Nụ hoa hồng có thể được phơi và sấy khô để pha trà. Cánh hoa hồng tươi hoặc được khô rồi nghiền nhỏ thành bột thì có thể dùng trang trí bánh ngọt hoặc làm bánh để tạo màu sắc và hương vị độc đáo, hấp dẫn.

6. Hoa atiso

Atiso được trồng ở Italia, Pháp, Mỹ, các quốc gia Mỹ Latinh và đến đầu thế kỷ XX mới du nhập vào Việt Nam ở Đà Lạt, Tam Đảo, Sapa. Hoa atiso được nhiều bà nội trợ biết đến và lựa chọn để chế biến các món ăn bổ dưỡng cho gia đình.

Hoa atiso là nguồn cung cấp carbohydrate và chất xơ dồi dào cho cơ thể. Ngoài ra, atiso còn giúp bạn bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất như kali, canxi, natri, magiê, phốt pho.

Hoa atiso khi nấu chín có tác dụng tăng lực, bồi bổ sức khỏe, lợi tiểu, mát gan, giải độc, tốt cho người bị bệnh tiểu đường, bệnh gan và phụ nữ sau sinh.

Atiso khá linh hoạt nên bạn có thể kết hợp nguyên liệu này vào nhiều món như canh atiso sườn non, bông atiso hầm chân giò hoặc xương ống, mứt atiso, chè atiso long nhãn hay làm trà atiso.

Mặc dù atiso có tính mát và rất tốt cho sức khỏe nhưng bạn nên tránh ăn hoặc uống quá nhiều atiso để tránh những biến chứng như co thắt cơ trơn hệ tiêu hóa, chướng bụng, gan hoạt động quá tải.

7. Hoa cúc

Hoa cúc là một loại hoa quen thuộc với người Việt. Loại hoa này không chỉ được trồng để trang trí cho không gian sống mà còn là một loại hoa ăn được với nhiều hoạt chất có lợi với sức khỏe.

Trong 51g hoa cúc có chứa 60mg canxi, 0,481mg mangan, 17mg sắt, 0,07mg đồng, 0,09mg vitamin B6, 48 mg vitamin A, 289mg kali và nhiều thành phần hoạt tính như flavonoid, inulin, tinh dầu, tannin.

Hoa cúc thường dùng để ướp trà và pha trà. Trà hoa cúc có hương vị thanh nhã, thư thái giúp trị các bệnh về tiêu hóa, mất ngủ, giảm viêm hiệu quả. Tuy nhiên, bạn nên tránh sử dụng nếu bị dị ứng với các loại hoa họ cúc.

8. Hoa ban

Hoa ban là loài hoa nổi tiếng ở núi rừng Tây Bắc không chỉ với vẻ đẹp thuần khiết, tự nhiên mà những món ăn thanh mát làm từ hoa ban của người Thái cũng rất khó quên.

Theo Đông y, hoa ban có tính mát, lợi tiểu, bổ tỳ. Nước đun từ hoa ban tươi hoặc hoa ban sấy khô có thể hỗ trợ điều trị tiêu chảy, đau bụng, viêm, sốt, mụn nhọt.

Phụ nữ dân tộc Thái thường dùng hoa ban chế biến thành món xôi hoa ban, hoa ban xào rau cải, nộm hoa ban, canh hoa ban nấu móng giò hoặc nấu sườn non. Du khách đã một lần đến Tây Bắc đều muốn được thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị núi rừng này.

9. Hoa dâm bụt

Hoa dâm bụt (râm bụt) là những bông hoa lớn, rực rỡ sắc màu, thường mọc ở vùng khí hậu ấm áp. Không chỉ đẹp, hoa dâm bụt còn là một loại hoa ăn được và thường dùng để làm trà thảo dược. Một số nghiên cứu cho thấy hoa dâm bụt giúp điều hòa huyết áp và hàm lượng cholesterol trong cơ thể.

Trà dâm bụt có sắc đỏ hoặc hồng hấp dẫn và có vị hơi chua, giúp giải nhiệt ngày hè. Ngoài ra, hoa dâm bụt tươi có thể được cho vào món salad hoặc dùng làm mứt.

Bên cạnh giá trị làm cảnh cho đẹp, hoa cũng có thể là một nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Hãy thử thêm hoa vào thực đơn hàng ngày, bạn sẽ thấy các món ăn bỗng trở nên thơ mộng và đẹp mắt hơn đấy!

Hồng Nhung

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.