9 chức năng của protein quan trọng đối với cơ thể
Photo by Monstruo Estudio on Unsplash

9 chức năng của protein quan trọng đối với cơ thể

Chức năng của protein là gì mà tại sao thành phần dinh dưỡng này luôn được khuyến cáo sử dụng trong các chế độ ăn uống lành mạnh?

Protein được cấu tạo từ 20 loại axit amin cần thiết cho cơ thể, tình trạng thiếu protein có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, chậm phát triển, suy giảm miễn dịch, tác động tiêu cực đến các cơ quan trong cơ thể. Dưới đây bạn hãy cùng tìm hiểu 9 chức năng của protein đối với cơ thể và cách bổ sung protein sao cho phù hợp nhé!

1. Duy trì các mô cơ thể

Chức năng của protein có thể giúp tăng trưởng và duy trì các mô cơ thể. Lượng protein trong cơ thể luôn ở trong trạng thái chuyển đổi liên tục. Điều này có nghĩa là khi bình thường, cơ thể bạn phá vỡ cùng một lượng protein sử dụng để xây dựng và sửa chữa các mô tế bào.

Tuy nhiên có những trường hợp khác, cơ thể phá vỡ nhiều protein hơn mức có thể tạo ra để thực hiện các nhu cầu khẩn cấp của cơ thể. Điều này thường xảy ra trong thời kỳ bạn bị ốm, trong khi mang thai hoặc cho con bú. Một số nhóm người cũng cần nhiều protein hơn như người hồi phục sau chấn thương hoặc phẫu thuật, người lớn tuổi và vận động viên thể thao.

2. Tăng cường quá trình trao đổi chất

Enzyme là loại protein giúp hỗ trợ hàng ngàn phản ứng sinh hóa diễn ra bên trong và bên ngoài tế bào. Cấu trúc của enzyme cho phép chúng kết hợp với các phân tử khác bên trong tế bào gọi là chất nền (substrate), giúp xúc tác cho các phản ứng cần thiết cho quá trình trao đổi chất cơ thể.

Enzyme cũng có chức năng hoạt động bên ngoài tế bào, chẳng hạn như các enzyme tiêu hóa lactase và sucrase giúp tiêu hóa đường trong dạ dày. Một số loại enzyme cần các phân tử khác như vitamin hoặc khoáng chất để hoạt động.

Chức năng của protein enzyme đóng vai trò trong các hoạt động cơ thể bao gồm:

  • Tiêu hóa
  • Đông máu
  • Co duỗi cơ
  • Sản xuất năng lượng

3. Yếu tố dẫn truyền thông tin

Một số loại protein là hormone, đóng vai trò là chất hóa học hỗ trợ giao tiếp giữa các tế bào, mô và cơ quan. Những loại hormone này được tạo và tiết ra bởi các mô hoặc tuyến nội tiết. Sau đó sẽ được vận chuyển trong máu đến các mô hoặc cơ quan đích – nơi chúng liên kết với các thụ thể protein trên bề mặt tế bào.

Hormone có thể được chia thành ba loại chính bao gồm:

• Protein và peptide: Được tạo ra từ các chuỗi axit amin, từ vài chuỗi đến hàng trăm chuỗi.

• Steroid: Được hình thành từ chất béo cholesterol, các hormone giới tính testosteroneestrogen.

• Amin: Được tạo ra từ các axit amin tryptophan hoặc tyrosine riêng lẻ, giúp tạo ra các hormone liên quan đến giấc ngủ và quá trình trao đổi chất.

Trong đó, chức năng của protein và polypeptide chiếm phần lớn lượng hormone trong cơ thể bao gồm:

• Insulin: Hormone báo hiệu sự hấp thu glucose hoặc đường vào tế bào.

• Glucagon: Hormone báo hiệu phân hủy glucose dự trữ trong gan.

• HGH (hormone tăng trưởng của con người): Kích thích sự phát triển của các mô khác nhau, bao gồm cả xương.

• ADH (hormone chống bài niệu): Báo hiệu thận tái hấp thu nước.

• ACTH (hormone adrenocorticotropic): Kích thích giải phóng cortisol – một yếu tố chính trong quá trình trao đổi chất.

Chức năng của protein có thể ảnh hưởng đến việc giải phóng các hormone kiểm soát cảm giác thèm ăn và lượng thức ăn tiêu thụ. Sự ảnh hưởng này bao gồm giảm “hormone đói” ghrelin và kích thích sản xuất hormone cảm thấy no PYY và GLP-1.

4. Xây dựng cấu trúc cơ thể

Một số protein có dạng sợi giúp tạo sức mạnh và độ đàn hồi cho tế bào và mô. Những protein này bao gồm keratin, collagen và elastin, giúp xây dựng khung liên kết của các cấu trúc nhất định trong cơ thể.

• Keratin: Một loại protein cấu trúc có trong da, tóc và móng tay.

• Collagen: Là loại protein dồi dào nhất trong cơ thể, đóng vai trò là protein cấu trúc của xương, gân, dây chằng và da.

• Elastin: Chức năng của protein này có tính linh hoạt hơn vài trăm lần so với collagen. Elastin với độ đàn hồi cao cho phép nhiều mô trong cơ thể trở lại hình dạng ban đầu sau khi kéo dài hoặc co bóp, chẳng hạn như ở tử cung, phổi và động mạch.

5. Hình thành hệ miễn dịch

Chức năng của protein giúp cơ thể hình thành các globulin miễn dịch hoặc kháng thể để chống lại tình trạng nhiễm trùng. Kháng thể là loại protein trong máu giúp bảo vệ cơ thể bạn khỏi những tác nhân có hại như vi khuẩn và virus. Nếu không có các kháng thể này, vi khuẩn và virus sẽ tự do xâm nhập, nhân lên và gây hại cơ thể với các loại bệnh chúng gây ra.

Chức năng của protein có thể giúp cơ thể tạo ra các kháng thể chống lại một loại vi khuẩn hoặc virus cụ thể, cơ thể sẽ tự động ghi nhớ cách tạo ra kháng thể. Điều này cho phép các kháng thể phản ứng nhanh chóng khi cùng một loại vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào cơ thể.

6. Duy trì độ pH thích hợp

Protein đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nồng độ axit bazơ trong máu và các chất dịch cơ thể khác. Sự cân bằng giữa axit và bazơ được đo bằng thang pH dao động từ 0 đến 14. Mức 0 là axit mạnh nhất, 7 trung tính và 14 kiềm nhất, cơ thể có axit dạ dày ở pH 2 và máu ở pH 7,4.

Các hệ thống đệm trong cơ thể giúp đảm bảo lượng chất dịch bên trong cơ thể duy trì phạm vi pH bình thường. Việc duy trì pH ở mức ổn định là điều cần thiết, vì ngay cả một thay đổi nhỏ về độ pH cũng có thể gây hại hoặc có khả năng gây tử vong.

Chức năng của protein giúp điều chỉnh pH trong cơ thể nhờ vào huyết sắc tố (loại protein tạo tế bào hồng cầu) bằng cách liên kết một lượng nhỏ axit, giúp duy trì giá trị pH bình thường trong máu. Các hệ thống đệm pH khác trong cơ thể bao gồm photphat và bicarbonate.

7. Cân bằng chất lỏng trong cơ thể

Chức năng của protein giúp điều chỉnh các quá trình cơ thể để duy trì cân bằng chất lỏng. Albuminglobulin là các protein trong máu giúp duy trì sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể bạn bằng cách thu hút và giữ nước.

Nếu bạn không tiêu thụ đủ protein, nồng độ albumin và globulin sẽ giảm. Do đó cơ thể không thể giữ máu trong mạch máu và chất lỏng sẽ bị ép vào khoảng trống giữa các tế bào. Chất lỏng tích tụ tại đó sẽ gây ra tình trạng sưng hoặc phù, đặc biệt là ở vùng dạ dày.

8. Vận chuyển chất dinh dưỡng

Chức năng của protein giúp vận chuyển mang các chất trong máu vào trong hoặc ra khỏi tế bào. Các chất được vận chuyển bởi protein bao gồm vitamin, khoáng chất, đường trong máu, cholesterol và oxy.

Ví dụ, huyết sắc tố (hemoglobin) là một loại protein mang oxy từ phổi đến các mô cơ thể. Chất vận chuyển glucose (GLUT) di chuyển glucose đến các tế bào. Lipoprotein vận chuyển cholesterol và các chất béo khác trong máu.

Chất vận chuyển protein đều mang tính đặc hiệu, có nghĩa là chúng sẽ chỉ liên kết với các chất cụ thể. Nói cách khác, một chất vận chuyển protein di chuyển glucose sẽ không vận chuyển cholesterol.

9. Cung cấp năng lượng hoạt động

Chức năng của protein có thể giúp cung cấp năng lượng calorie cho cơ thể. Calorie đến từ 3 nguồn chính bao gồm:

  • 1g protein chứa 4 calorie
  • 1g carbohydrate chứa 4 calorie
  • 1g chất béo chứa 9 calorie

Trong 3 nguồn chính này, protein là chất mà cơ thể sử dụng làm năng lượng sau cùng. Bởi vì cơ thể dễ dàng dự trữ, chuyển hóa carbs và chất béo hiệu quả hơn so với protein. Do đó, hai chất này đóng vai trò cung cấp năng lượng hiệu quả hơn.

Thông thường, protein ít khi cung cấp năng lượng cho cơ thể. Tuy nhiên, trong trạng thái nhịn ăn (18 giờ – 48 giờ không tiêu thụ thức ăn), cơ thể bạn sẽ phá vỡ cơ xương để các axit amin có thể cung cấp năng lượng.

Chức năng của protein cung cấp năng lượng cho cơ thể thường khi bạn đang trong tình trạng nhịn ăn, tập thể dục đuối sức hoặc không tiêu thụ đủ lượng calorie cho cơ thể.

Bạn có thể bổ sung protein thông qua thực phẩm như sữa, trứng, thịt bò, gà, hải sản, hoặc các loại hạt như hạnh nhân, quả óc chó, hạt điều, đậu phộng… Bên cạnh đó, bạn cũng có thể hấp thụ protein thông qua thực phẩm bổ sung whey protein.

Việc tiêu thụ protein quá mức sẽ không mang lại cho bạn lợi ích cơ thể, mà còn tiềm ẩn nhiều vấn đề sức khỏe khác. Do đó bạn nên lưu ý liều lượng bổ sung protein bao gồm:

• Liều dùng cho người bình thường: Bổ sung từ 0,8 – 1,3g protein trên 1kg trọng lượng cơ thể.

• Liều dùng cho người tập thể hình: Bổ sung khoảng 2g protein trên 1kg trọng lượng cơ thể.

Việc tiêu thụ protein cần đảm bảo trong liều lượng an toàn, nếu bạn sử dụng protein quá mức kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải các tình trạng như bệnh tim mạch, rối loạn hệ thống mạch máu, tổn thương gan thận, bệnh tiểu đường, ung thư, loãng xương…

Để nhận được những chức năng của protein, bạn nên lưu ý không nên chỉ ăn thực phẩm chứa protein, mà hãy xây dựng chế độ ăn uống kèm theo nhiều chất xơ, vitamin và các chất dinh dưỡng khác.

Những thông tin trên hy vọng có thể giúp bạn hiểu rõ hơn các chức năng của protein đối với cơ thể và cách bổ sung protein sao cho phù hợp. Protein tuy quan trọng nhưng không phải là chất duy nhất cơ thể cần, vì thế bạn nên tiêu thụ đủ lượng cùng với các chất dinh dưỡng quan trọng khác cho cơ thể nhé!

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.