8 lợi ích tuyệt vời của kefir đối với sức khỏe con người
Photo by Hanna Postova on Unsplash

8 lợi ích tuyệt vời của kefir đối với sức khỏe con người

Kefir là một thức uống lên men từ sữa. Đây là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng dồi dào và là loại sản phẩm lên men rất có ích cho sức khỏe, ngăn ngừa và kiểm soát nhiều loại bệnh, trong đó có ung thư. Hãy cùng tìm hiểu 8 lợi ích của kefir qua bài viết dưới đây nhé.

Kefir là một loại thức uống đang tạo cơn sốt trong cộng đồng những người yêu thực phẩm lành mạnh. Thật ra, kefir là một loại thực uống làm từ sữa lên men bằng các hạt kefir có chứa vi khuẩn lactic, men và polysaccharides. Loại thức uống tưởng chừng bình thường này lại có lợi ích không thua kém các loại sữa chua khác.

1. Nguồn cung cấp dinh dưỡng tuyệt vời

Mỗi cốc kefir là nguồn cung cấp dinh dưỡng dồi dào mà bạn không ngờ đến. Chỉ với 175ml kefir, bạn đã có thể nạp vào cơ thể mình nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu như:

  • Protein: 6g;
  • Canxi: 20% RDA*;
  • Phốt pho: 20% RDA;
  • Vitamin B12: 14% RDA;
  • Riboflavin (vitamin B2): 19% RDA;
  • Magie: 5% RDA;
  • Một lượng lớn vitamin D.

*RDA (Recommended dietary allowances) là khẩu phần ăn kiêng khuyến nghị hằng ngày mà cơ thể cần có.

Lượng chất dinh dưỡng này tương đương với 100 calo, 7–8g carbohydrate và 3–6g chất béo. Ngoài ra, kefir cũng chứa rất nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học, bao gồm các axit hữu cơ và peptide rất có ích cho sức khỏe.

Tuy nhiên, các loại kefir làm từ nước dừa, sữa dừa hoặc các loại nước có vị ngọt khác không có giá trị dinh dưỡng nhiều như kefir làm từ sữa.

2. Chứa nhiều lợi khuẩn probiotic

Kefir chứa một số vi khuẩn lành mạnh không có trong sữa chua, bao gồm lactobacillus caucasus, leuconostoc, acetobacter species, streptococcus, saccharomyces kefir và torula kefir.

Những vi sinh vật có lợi này giúp hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa và ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn có hại trong ruột. Các loại vitamin như vitamin K và B-12 được sản xuất trong ruột và chính các probiotic trong kefir có thể kích thích sản xuất các vitamin này.

Kefir có thể cân bằng các loại vi khuẩn trong ruột nên nó có hiệu quả cao trong việc kiểm soát bệnh tiêu chảy. Ngoài ra, lợi khuẩn probiotic và thực phẩm chứa lợi khuẩn như kefir có thể giúp giải quyết các vấn đề tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích (IBS), viêm loét do nhiễm khuẩn H. pylori.

3. Có ích cho người không dung nạp lactose

Mặc dù kefir được làm từ sữa nhưng quá trình lên men sản xuất kefir gần như không có lactose. Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã tiến hành xem xét trên 15 bệnh nhân mắc chứng không dung nạp lactose và thấy rằng kefir có khả năng làm giảm các triệu chứng đầy hơi, đau bụng và tiêu chảy liên quan đến việc tiêu thụ lactose.

4. Giúp cơ thể kiểm soát cân nặng

100g kefir thông thường có chứa khoảng 150 calo và 8g chất béo, trong đó 5g là chất béo bão hòa. Bạn nên chọn loại kefir có chất béo thấp nếu đang muốn kiểm soát cân nặng vì 100g kefir chất béo thấp chỉ chứa 110 calo và 2g chất béo, với 1,5g chất béo bão hòa.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người ăn kiêng dùng 5 khẩu phần sữa hàng ngày cùng với chế độ ăn ít calorie đã giảm cân và mỡ bụng nhiều hơn so với những người ăn kiêng chỉ dùng 3 bữa mỗi ngày.

5. Kefir có đặc tính kháng khuẩn cao

Một số chất probiotic trong kefir có thể chống lại bệnh truyền nhiễm. Các nhà nghiên cứu cho rằng chỉ duy nhất trong kefir có chứa lợi khuẩn lactobacillus kefiri có thể ức chế sự phát triển của các loại vi khuẩn có hại khác, bao gồm Salmonella, Helicobacter Pylori và E. coli.

Ngoài ra, kefiran, một loại carbohydrate có trong kefir, cũng có tính chất kháng khuẩn cao.

6. Cải thiện sức khỏe xương và giảm nguy cơ loãng xương

Loãng xương là bệnh thường xảy ra bởi sự xuống cấp của mô xương, là một vấn đề lớn ở phụ nữ lớn tuổi. Bệnh rất phổ biến có thể làm tăng nguy cơ gãy xương. Đảm bảo lượng canxi cần thiết là một trong những cách hiệu quả nhất để cải thiện sức khỏe xương và làm chậm sự tiến triển của chứng loãng xương.

Kefir không chỉ là một nguồn cung cấp canxi mà còn rất giàu vitamin K2. Tuy nhiên, chất dinh dưỡng này đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển hóa canxi, giảm nguy cơ gãy xương tới 81%.

Các nghiên cứu trên động vật gần đây cho thấy kefir có thể làm tăng sự hấp thu canxi. Điều này giúp tăng mật độ xương và có tác dụng ngăn ngừa gãy xương.

7. Kefir có thể ngăn ngừa các loại bệnh ung thư

Ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Bệnh xảy ra khi có sự tăng trưởng không kiểm soát của các tế bào bất thường trong cơ thể, chẳng hạn như hình thành khối u.

Các probiotic trong các sản phẩm sữa lên men có tác dụng ngăn chặn khối u phát triển bằng cách giảm sự hình thành của các chất gây ung thư, cũng như kích thích hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả.

Vai trò này đã được chứng minh nhờ một số nghiên cứu trong ống nghiệm. Kefir cũng là một trong các sản phẩm sữa lên men, do đó không bất ngờ khi kefir có tác dụng ngăn ngừa ung thư. Một số nghiên cứu đã nhận thấy chiết xuất từ kefir có khả năng làm giảm 56% số tế bào ung thư vú của người, trong khi đó sữa chua chỉ làm giảm 14%.

8. Kefir cải thiện các triệu chứng dị ứng và hen suyễn

Dị ứng là do phản ứng viêm của cơ thể với các chất vô hại trong môi trường. Những người có hệ thống miễn dịch quá nhạy cảm thường dễ bị dị ứng và mắc các loại bệnh liên quan như hen.

Trong các nghiên cứu trên động vật, kefir đã được chứng minh là có khả năng ngăn chặn các phản ứng viêm liên quan đến dị ứng và hen suyễn. Tuy nhiên, tác dụng này đối với cơ thể người cần được nghiên cứu thêm.

Kefir không chỉ là một thức uống thơm ngon, bổ dưỡng mà còn có tác dụng giúp ngăn chặn và kiểm soát rất nhiều loại bệnh, trong đó có ung thư, không dung nạp lactose, dị ứng… Vậy tại sao bạn còn không chọn ngay kefir làm đồ uống hàng ngày trong những tháng hè oi bức này?

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.