Măng cụt được mệnh danh như “hoa trái của các vị thần” nhờ nhiều tác dụng tích cực khác cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều và sử dụng không đúng cách, những tác dụng phụ của măng cụt có thể gây hại cho cơ thể.
Những kiến thức chung cần biết về quả măng cụt
Măng cụt là loại trái phát triển theo mùa ở Việt Nam, với hình dáng bên ngoài có vỏ cứng màu đen, bên trong thịt màu trắng và có hạt. Với hương vị ngọt thanh, măng cụt là một trong những trái cây được yêu thích không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước khác. Ở Mỹ, măng cụt được bán phổ biến bằng cách ép lấy nước và thường được kết hợp với các loại nước trái cây khác. Măng cụt được xem như một phương thuốc truyền thống. Loại quả này đang được nghiên cứu để đa dạng sử dụng vì lợi ích của nó đối với sức khỏe.
Măng cụt thường được ăn như một loại trái cây tráng miệng hoặc ép lấy nước. Ngày nay, nước ép măng cụt đang trở thành thức uống bổ dưỡng phổ biến. Một số nhà sản xuất tuyên bố rằng nước ép măng cụt có thể điều trị tiêu chảy, các vấn đề về kinh nguyệt, nhiễm trùng đường tiểu, lao phổi và nhiều loại bệnh khác.
Quả măng cụt có tác dụng như thế nào?
Măng cụt được dùng để trị tiêu chảy, nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs), bệnh lậu, nấm, bệnh lao, rối loạn kinh nguyệt, ung thư, viêm xương khớp và nhiễm trùng đường ruột – hay còn gọi là kiết lỵ. Nó cũng được sử dụng để kích thích hệ miễn dịch và cải thiện trí óc.
Một số người bôi măng cụt lên da để trị chàm và các bệnh về da khác. Ngoài ra, măng cụt còn đem lại một số công dụng chữa bệnh như sau:
1. Ngăn ngừa ung thư
Măng cụt là một trong những loại trái cây chứa rất nhiều chất chống oxy hóa, giúp chống lại các gốc tự do gây tổn thương tế bào và liên quan đến sự phát triển của bệnh tim và ung thư. Các gốc tự do có thể được tạo ra một cách tự nhiên trong cơ thể, nhưng chúng cũng có thể được tạo ra do các yếu tố môi trường như khói thuốc lá, bức xạ và ô nhiễm.
Nước ép từ măng cụt có nhiều chất chống oxy hóa, đặc biệt là những chất khá mạnh như kháng thể xanthones. Kháng thể xanthones chỉ được tìm thấy ở một số cây nhiệt đới, trong đó măng cụt là nguồn chứa chất này dồi dào nhất. Theo Viện Ung thư Quốc gia, một số nghiên cứu chỉ ra rằng măng cụt có thể bảo vệ cơ thể chống lại sự phát triển của ung thư. Tuy nhiên, nước ép măng cụt và các chất chống oxy hóa khác không phải là phương pháp điều trị hiệu quả cho bất kỳ loại bệnh nào.
2. Quả măng cụt giúp ổn định đường huyết
Chất axit tannic và proanthocyanidin oligomeric trong măng cụt được rất nhiều nghiên cứu chứng minh là có tác dụng ổn định đường huyết. Chính vì vậy, măng cụt được xem như loại trái cây có khả năng hỗ trợ điều trị tiểu đường tuýp 2 hiệu quả.
3. Bảo vệ tim mạch
Theo nghiên cứu của Đại học Madras ở Ấn Độ thì thành phần alpha-mangostin trong măng cụt bảo vệ sức khỏe tim mạch rất tốt. Ngoài ra, nhờ đặc tính chống oxy hóa, măng cụt còn có khả năng củng cố hệ thống tuần hoàn, hạn chế nguy cơ đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
4. Quả măng cụt hỗ trợ giảm cân
Phần thịt màu trắng của quả măng cụt có tính mát, ngọt, mọng nước, thơm ngon, chứa nhiều chất xơ, đạm, canxi, sắt nhưng lại có hàm lượng calo thấp nên không ảnh hưởng gì đến cân nặng.
Bên cạnh đó, kháng thể xanthones có trong quả măng cụt được mệnh danh là “khắc tinh” của mỡ thừa có khả năng kích thích quá trình trao đổi chất. Dưới sự tác động của kháng thể xanthones, thức ăn chuyển hóa thành năng lượng hoạt động hiệu quả nên giúp bạn giảm cân thành công hơn.
5. Chống lão hóa
Quả măng cụt dồi dào vitamin A, C, E cực tốt cho làn da và chống lão hóa vô cùng hiệu quả. Ngoài ra, các hợp chất chống oxy hóa đa dạng trong măng cụt cũng có khả năng hạn chế các tế bào bị gây hại đồng thời giảm thiểu tình trạng lão hóa da, hạn chế nếp nhăn, dưỡng ẩm và cải thiện sức đề kháng cho da.
6. Chống các bệnh về nướu
Mặc dù kết quả vẫn còn rất sơ bộ nhưng các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu măng cụt như một vũ khí có thể chống lại những căn bệnh về nướu hay còn gọi là bệnh viêm nha chu. Một nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân dùng gel có chứa nước ép từ măng cụt bôi vào nướu giúp cải thiện tình trạng nha chu nhiều hơn so với bệnh nhân không sử dụng. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng măng cụt có thể là một phương thức hữu ích hơn so với việc điều trị nha chu truyền thống. Tuy nhiên, nếu bạn gặp vấn đề về nướu, bạn nên đến gặp nha sĩ.
Măng cụt là một loại trái cây nhiệt đới cực kỳ được yêu thích không chỉ do hương vị mà còn bởi những lợi ích mà nó đem lại cho sức khỏe của con người. Bạn có thể sử dụng làm món tráng miệng hoặc mứt để thay đổi khẩu vị và bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể. Tuy nhiên, măng cụt cũng có thể mang lại tác dụng phụ nguy hiểm nếu sử dụng sai cách.
Một số lưu ý khi ăn măng cụt
Người đang mang thai và cho con bú nên cẩn thận khi ăn măng cụt
Hiện nay, vẫn chưa có đủ thông tin đáng tin cậy về sự an toàn của việc ăn măng cụt khi bạn đang mang thai hoặc cho con bú. Vì vậy, bạn nên giữ an toàn và tránh ăn loại trái cây này trong thời kỳ mang thai.
Quả măng cụt có thể can thiệp quá trình đông máu
Cơ thể chúng ta sở hữu một khả năng tự nhiên để ngăn chặn chảy máu. Ăn măng cụt có thể ảnh hưởng không tốt đến khả năng này, do hợp chất xanthone gây cản trở quá trình đông máu diễn ra bình thường. Nó cũng có thể tương tác với thuốc làm loãng máu như warfarin và gây xuất huyết tiêu hóa.
Do tác dụng làm chậm đông máu nên ăn măng cụt có thể dẫn đến tăng nguy cơ chảy máu trong hoặc sau khi phẫu thuật. Bạn nên ngừng dùng măng cụt 2 tuần trước khi giải phẫu.
Người bệnh đa hồng cầu nên tránh ăn măng cụt
Đa hồng cầu là một rối loạn khi tủy xương sản xuất quá nhiều tế bào hồng cầu, dẫn đến tăng số lượng hồng cầu trong máu. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh này nên tránh sử dụng măng cụt vì nó có thể làm tăng khối lượng của hồng cầu.
Quả măng cụt cản trở quá trình điều trị bệnh
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, măng cụt có thể ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả của liệu pháp xạ trị cũng như thuốc hóa trị. Điều này xảy ra do một số loại thuốc hóa trị liệu phụ thuộc vào việc sản xuất các gốc tự do để chiến đấu và tiêu diệt khối u. Các chất chống oxy hóa mạnh mẽ có trong măng cụt chống lại và loại bỏ các gốc tự do, đã được chứng minh là yếu tố trở ngại trong điều trị ung thư.
Bạn nên ăn bao nhiêu quả măng cụt là đủ?
Phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, sức khỏe của người sử dụng và một số điều kiện khác mà tùy mỗi người sẽ có một tiêu chuẩn riêng khi dùng quả măng cụt. Tại thời điểm này vẫn chưa có đủ thông tin khoa học để xác định được liều lượng sử dụng măng cụt thích hợp. Nhưng bạn nên nhớ rằng các sản phẩm từ thiên nhiên không phải lúc nào cũng an toàn và liều lượng ăn với lượng phù hợp cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Măng cụt là một loại trái cây nhiệt đới cực kỳ được yêu thích chỉ do hương vị mà còn bởi những lợi ích mà nó đem lại cho sức khỏe của con người. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ những lưu ý ở trên để tránh những tác dụng phụ không mong muốn khi ăn măng cụt nhé.