11 loại rau củ màu đỏ lí tưởng cho sức khỏe
Photo by Prudence Earl on Unsplash

11 loại rau củ màu đỏ lí tưởng cho sức khỏe

Chúng ta vẫn thường nghe nói rằng ăn một quả táo mỗi ngày sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, vậy còn đối với các loại rau củ cũng có màu đỏ khác như dâu tây, anh đào, quả mâm xôi, dưa hấu, cà chua hay củ cải thì sao? Chúng có đem lại lợi ích cho cơ thể như táo hay không?

Nhiều nghiên cứu về dinh dưỡng cho thấy, những loại rau củ màu đỏ như cà chua hay ớt chuông có khả năng giúp chúng ta giảm bớt nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, loãng xương và mỡ máu cao.

Bên cạnh đó, nhiều loại trái cây và củ quả màu đỏ còn chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao như lycopene và anthocyanin, giúp chống lại các bệnh về tim mạch và ung thư tuyến tiền liệt, giảm nguy cơ đột quỵ và thoái hóa võng mạc (nguyên nhân hàng đầu gây mù loà đối với người trên 60 tuổi).

Ngoài ra, những dưỡng chất có nguồn thực vật tạo nên sắc tố màu của những loại rau củ này cũng mang lại những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Đặc biệt màu sẫm trong các loại rau củ, như màu đỏ thẫm của củ cải đường, thường đem lại nhiều dưỡng chất có lợi như chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất. Những dưỡng chất này đã được chứng minh là có ích trong việc ngăn ngừa mắc bệnh ung thư, các bệnh mãn tính và tăng cường hệ thống miễn dịch của con người.

Củ cải đường

Củ cải đường là một trong những loại rau củ chứa hàm lượng chất chống oxy hóa nhất. Ngoài ra, củ cải đường cũng là nguồn tuyệt vời cung cấp kali, chất xơ, folate, vitamin C và nitrat.

Vì thế, để món ăn nhìn hấp dẫn và đầy đủ chất dinh dưỡng, bạn có thể thêm chút củ cải đường vào các món salad, món súp hay món hầm. Ngoài ra, nếu bạn muốn giữ lại đầy đủ dưỡng chất có trong củ cải, bạn nên xào sơ củ cải với một ít rau xanh. Khi đó hàm lượng vitamin A, C và K sẽ không mất đi trong lúc chế biến. Nước ép cũng là một lựa chọn thay thế cho những người không ăn được loại thực phẩm này. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khuyên bạn chỉ nên sử dụng nước ép với một hàm lượng nhất định. Vì nếu uống nước ép củ cải đường mỗi ngày, cơ thể bạn có thể không hấp thụ được hết dưỡng chất của nó.

Bắp cải tím

Màu sẫm tím của bắp cải này có được là nhờ nó chứa hàm lượng anthocyanin cao. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng anthocyanin là chất chống oxy hóa mạnh, có khả năng làm giảm nguy cơ của các rối loạn ở não, ung thư và các bệnh về tim mạch. Ngoài ra, loại thực phẩm này cũng mang lại nhiều lợi ích giống như các loại rau củ cùng họ với nó, như rau cải xoăn, rau mầm brussel và bông cải xanh (súp lơ xanh).

Đối với bắp cải tím, bạn có thể ăn sống để thưởng thức trọn vẹn hương vị cũng như giữ lại tối đa chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu bạn không quen ăn sống, bạn cũng có thể luộc sơ qua để không làm mất hàm lượng dinh dưỡng có trong củ như anthocyanin, glucosinolate và một số chất dinh dưỡng khác. Bên cạnh đó, muối bắp cải để giữ các vi khuẩn tốt trong quá trình lên men của chúng cũng là một gợi ý hay dành cho các bà nội trợ thay đổi hương vị đấy.

Cà chua

Cà chua là một loại rau củ có hàm lượng lycopene cao. Chất lycopene có trong cà chua rất có lợi trong việc chống lại các bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến tiền liệt. Ngoài ra, trong cà chua cũng có nhiều chất bổ dưỡng như kali và vitamin C rất tốt cho sức khỏe tim mạch.

Thông thường, các loại rau củ khi ăn sống sẽ giữ lại đầy đủ chất dinh dưỡng hơn, nhưng đối với cà chua bạn nên nấu chúng với một ít dầu ăn để giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ lượng lycopene hơn. Khi đó, tác dụng của lycopene không những không mất đi mà sẽ tăng lên đáng kể.

Ớt chuông

Ớt chuông là loại rau củ có vị ngọt, đồng thời chứa hàm lượng vitamin A và vitamin C dồi dào và mỗi trái chỉ cung cấp 30 calo. Vì thế, ớt chuông là một sự lựa chọn tuyệt vời mang lại cho bạn một hệ miễn dịch khỏe mạnh và một làn da rạng rỡ. Ngoài ra, nồng độ vitamin C cao có trong ớt chuông cũng có thể bảo vệ bạn khỏi nguy cơ nhiễm trùng. Bạn có thể ăn sống ớt chuông hoặc nấu chín để hấp thụ lượng vitamin B6, vitamin E và folate có chứa trong loại rau củ này.

Ớt đỏ

Hầu hết mọi người đều không biết rằng ớt đỏ cũng chứa lượng vitamin C nhiều như cam. Hơn nữa, đây còn là một nguồn dưỡng chất giàu vitamin A có lợi cho da, xương và răng của bạn. Chỉ với 30ml chất cay trong ớt, cơ thể bạn có thể được cung cấp đến 2/3 lượng vitamin A, C cũng như magie và đồng cần thiết cho một ngày.

Khi ăn ớt, bạn có thể cảm thấy cay và nóng lưỡi nhưng vị cay này có thể giúp bạn giảm đau nhờ chứa chất capsaicin. Các nhà nghiên cứu cũng đang tìm kiếm capsaicin để đưa vào các hợp chất hỗ trợ chống ung thư.

Cải thảo đỏ

Cải thảo đỏ giàu các khoáng chất như selen, phốt pho, kali, canxi, vitamin B, A, C, K, E và folate. Đặc biệt hơn, đây là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời dành cho những người ăn kiêng vì nó chứa một hàm lượng chất xơ, vitamin và khoáng chất lí tưởng. Bên cạnh đó, cải thảo đỏ cũng có một lượng lớn các chất chống oxy hóa và dưỡng chất có nguồn gốc thực vật. Sở dĩ loại thực phẩm này có mặt trong chế độ ăn kiêng là vì nó chứa rất ít calo và không hề chứa chất béo cũng như cholesterol.

Rau diếp đỏ

Cũng giống như bắp cải đỏ, rau diếp đỏ cũng chứa đầy đủ các dưỡng chất giúp ngăn ngừa ung thư và chống lão hóa.

Màu đỏ và xanh thẫm của lá rau diếp mang đến hàm lượng cao các chất chống oxy hóa và vitamin B6 hơn hẳn bắp cải đỏ. Một nhúm rau diếp lá màu đỏ có chứa gần một nửa lượng vitamin A và K cần thiết cho yêu cầu hàng ngày của bạn. Ngoài ra, lá rau diếp đỏ cũng sẽ giúp bạn bù nước vì nó được cấu tạo 95% là nước .

Hành tây

Hành tây màu đỏ có các chất chứa lưu huỳnh hữu cơ, hợp chất được tìm thấy trong tỏi, tỏi tây và hành tây. Nếu các bạn không thích ăn hành tây sống, bạn có thể nấu chúng lên để hấp thụ được những chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể. Những dưỡng chất nguồn gốc thực vật này sẽ giúp bạn cải thiện hệ miễn dịch, giảm sản xuất cholesterol và hỗ trợ hoạt động của gan.

Khoai tây đỏ

Khoai tây đỏ rất giàu kali, vitamin C, thiamin, và vitamin B6. Ngoài ra, vỏ khoai tây còn rất giàu chất xơ và chứa nhiều vitamin. Vì thế, khi ăn khoai tây bạn nhớ là đừng gọt vỏ đi nhé. Đặc biệt, khoai tây màu đỏ còn mang đến cho bạn làn da hồng hào vì nó chứa nhiều dưỡng chất nguồn gốc thực vật.

Dâu tây

Dâu tây cung cấp cho cơ thể chúng ta một lượng lớn folate có lợi sức khỏe tim mạch và vô cùng có ích cho phụ nữ thời kì sinh đẻ. Dâu tây cũng chứa một lượng lớn vitamin C và chất chống oxy hóa, giúp tăng cường chức năng hệ miễn dịch và một số chức năng khác.

Để thưởng thức dâu tây, bạn có thể bỏ một chút vào ngũ cốc hoặc trộn một ít dâu tây đông lạnh vào sữa hay dùng làm sinh tố cũng rất ngon và giàu dinh dưỡng.

Quả mâm xôi

Quả mâm xôi rất giàu chất xơ, giúp giảm mức độ lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) hoặc cholesterol xấu trong cơ thể. Cũng như các loại dâu khác, bạn có thể thêm một ít quả mâm xôi vào trong sữa chua hoặc một ly sinh tố để tăng vị chua nhé.

Rau củ màu đỏ là một phần dưỡng chất quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh. Ngoài ra, ăn nhiều rau và trái cây còn giúp bạn ngăn ngừa một số bệnh mãn tính. Vì vậy bạn đừng quên thêm các loại thực phẩm này vào khẩu phần ăn hàng ngày của mình nhé.

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.